Gia đình công nhân nuôi 2 con chỉ còn 400.000 đồng/tháng tiền tích luỹ
(Dân trí) - Tại Hội thảo về Tiền lương và năng suất lao động Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ rõ những bất cập của cơ chế tính tiền lương tối thiểu theo vùng, thậm chí nhiều người không tán thành với việc quy định lương tối thiểu như hiện nay.
Ngày 14/9, tại một hội thảo về tiền lương được tổ chức tại Hà Nôi, chính cơ quan của Viện Công nhân và Công đoàn đã đưa ra nhiều dữ liệu "giật mình" về những bất cập của cơ chế tiền lương tối thiểu hiện nay.
Theo đó, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu: Theo kết quả khảo sát ngẫu nhiên của 816 hộ gia đình 4 người, có 2 vợ chồng là công nhân và 2 người ăn theo. Trung bình họ chi tiêu hết 9 triệu đồng/tháng, trong lúc đó thu nhập trung bình của người lao động thuộc nhóm này là 4,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, số tiền tích lũy của gia đình nhỏ chỉ còn khoảng 400.000 đồng/tháng.
Kết quả của Viện Công nhân và Công đoàn đưa ra cụ thể: Tiền ăn trung bình của mỗi hộ gia đình hết 3,3 triệu đồng (vùng I là 3,6 triệu đồng); tiền thuê nhà trọ trung bình 995 nghìn đồng (Vùng I là 1,5 triệu đồng); tiền điện, nước, ga là 624 nghìn đồng (vùng I là 665 nghìn đồng); xăng xe, đi lại, điện thoại là 593 nghìn đồng (vùng I là 548 nghìn đồng).
Nặng nhất vẫn là các khoản chi phí học tập của con cái (tính những người có 2 con đi học) trung bình 1,34 triệu đồng; khám chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ trung bình là 760 nghìn đồng; đồ dùng cá nhân, trang phục là 702 nghìn đồng (vùng I là 744 nghìn đồng); các khoản khác khoảng 750 nghìn đồng.
Theo Viện Công nhân và Công đoàn, chi phí cho trẻ em đi học thời phổ thông hiện còn lớn hơn chi phí cho một người lớn học Đại học. Ở Hà Nội, một học sinh học THCS và THPT chỉ tính riêng các khoản: học phí (80 nghìn đồng/tháng), quản lý bán trú (150 nghìn đồng/tháng), ăn trưa (26 bữa x 26.000 đồng), học bán trú buổi chiều (40 nghìn đồng x 26 buổi), quỹ lớp, hội phụ huynh 100 nghìn đồng/tháng, đã phải chi phí ít nhất 2 triệu đồng/tháng.
"Các khoản này không thể giảm, không thể bỏ và bắt buộc phải chi. Nếu trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học, phải thuê người trông coi, giá thuê thấp nhất từ 3-4 triệu đồng/tháng (vùng IV tiền trông trẻ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng) chưa kể chi phí ăn ở", ông Thọ nói.
Theo Viện trên, năm 2017, với mức tăng lương trung bình các vùng là 7,3%, mức lương tối thiểu vùng I là 3,75 triệu đồng (tăng 7,14%); vùng II là 3,32 triệu đồng (tăng 7,1%); vùng III là 2,9 triệu đồng (tăng 7,41%); vùng IV là 2,58 triệu đồng (tăng 7,5%)...
Mức tăng lương tối thiểu hiện đang được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, theo Viện Công nhân và Công đoàn, thì chỉ mới đáp ứng được khoảng 90% mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).
Mức lương tối thiểu Chính phủ quy định chỉ là mức sàn nhằm hạn chế việc trả lương tùy tiện quá thấp, chống bóc lột, làm cơ sở để các DN xây dựng thang, bảng lương, đảm bảo mức lương bậc 1 chưa qua đào tạo, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, các DN đã lạm dụng mức lương này để trả lương cho hầu hết NLĐ, là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Vì thế, mức lương thực tế của NLĐ rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoảng 15%.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của NLĐ là 4,48 triệu đồng/tháng, tăng hơn so với khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2016 6,9%.
Hiện theo phân theo vùng lương, lao động vùng I được trả lương tối thiểu cao nhất là 4,9 triệu đồng, lao động vùng IV được trả thấp nhất với 4 triệu đồng/tháng. Theo các ngành sản xuất, lĩnh vực khai khoáng vẫn là ngành có mức lương cao nhất hơn 5,2 triệu đồng; lao động trong doanh nghiệp FDI là hơn 4,5 triệu đồng, lao động trong khu vực dân doanh là 4,3 triệu đồng.
Theo Viện trưởng Thọ, tiền lương cơ bản trung bình NLĐ nhận được thực tế cao hơn mức tiền lương mà DN làm căn cứ đóng bảo hiểm cho họ là 7,05% (4.480.000 đồng/4.185.000 đồng). Ở các DN trả lương theo sản phẩm, tiền lương thực tế lao động nhận được, cao hơn tiền lương theo hợp đồng bởi họ còn có thời gian làm thêm, lương theo tăng ca, độc hại...
Tuy nhiên, hầu hết các khoản thu nhập của người lao động phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày, chủ yếu là phục vụ đời sống vật chất, mà chưa có điều kiện chăm lo về đời sống tinh thần. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía DN, thì tiền lương của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Nguyễn Tuyền