Gia đình CEO Quốc Cường Gia Lai đoàn tụ, cổ phiếu "cháy hàng"

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu QCG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại và trở lại công ty với vai trò mới.

Thị trường tiếp tục khiến nhà đầu tư phải "cân não" trong phiên sáng nay (27/11). Các chỉ số hầu như ở trạng thái giằng co trong khi độ rộng lại nghiêng về phía các mã giảm.

Có tới 253 mã giảm trên sàn HoSE, áp đảo 95 mã tăng giá. Tuy vậy, VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 0,66 điểm tương ứng 0,05% còn 1.241,47 điểm.

Sàn HNX có 85 mã giảm, 44 mã tăng, chỉ số giảm 1,06 điểm tương ứng 0,48%; UPCoM-Index ngược lại, giảm 0,41 điểm tương ứng 0,45% nhưng lại có 103 mã tăng, 87 mã giảm.

Thanh khoản cạn kiệt. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt 191,46 triệu đơn vị tương ứng 5.161,56 tỷ đồng; HNX có 15,2 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 244,5 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 13,04 triệu cổ phiếu tương ứng 155,94 tỷ đồng.

Gia đình CEO Quốc Cường Gia Lai đoàn tụ, cổ phiếu cháy hàng - 1

Bức tranh thị trường phân hóa, trong đó, cổ phiếu bất động sản giảm bất chấp giá bất động sản tăng (Nguồn: VNDS).

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là mã duy nhất tăng trần trên sàn HoSE, cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của mã này sau khi Quốc Cường Gia Lai thông báo bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Sau hơn 4 tháng nhận quyết định khởi tố và bắt tạm giam, đến nay, với việc được tại ngoại, bà Loan sẽ tiếp tục đóng góp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của QCG bằng việc đồng hành cùng HĐQT và Ban tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai giải quyết các công việc, các dự án đầu tư mà công ty đang thực hiện.

Như vậy, bà Loan trở lại Quốc Cường Gia Lai với vai trò mới còn ông Nguyễn Quốc Cường vẫn là Tổng giám đốc công ty này.

Giữa lúc QCG tăng trần và dư mua giá trần thì phần lớn cổ phiếu bất động sản điều chỉnh giá. Thị giá cổ phiếu ngành này liên tục bị bào mòn bất chấp nhiều địa phương chứng kiến sự tăng nóng trở lại của giá bất động sản. NLG, SIP, CCL, CRE, SZC, PDR, TCH, DIG đều giảm giá.

Nhóm dịch vụ tài chính cũng điều chỉnh giá nhẹ. VND, VDS, ORS giảm hơn 1%, các mã khác như TCI, FTS, SSI, APG, AGR, TVS, BSI, HCM cũng ghi nhận suy giảm.

"Ông lớn" công nghệ thông tin FPT sáng nay tăng 2,7% đã đóng góp đáng kể cho VN-Index, mang lại cho chỉ số tới 1,28 điểm. Bên cạnh đó, các mã ngân hàng gồm VCB, LPB, HDB tăng giá cũng mang lại ảnh hưởng tích cực.

Theo giới phân tích, việc VN-Index đang trên ngưỡng 1.240 điểm cho thấy các yếu tố tốt và xấu đang đan xen, dự kiến thị trường sẽ có diễn biến giằng co trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cung cầu rõ nét hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Hiện tại, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ, nhưng vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.