1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá dầu xuống đáy hơn 4 năm

(Dân trí) - Giá dầu thô thế giới giảm chóng mặt sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuyên bố không cắt giảm sản lượng bất chấp tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra hôm qua (27/11) tại thủ đô Vienna của Áo, giá dầu đã chịu áp lực giảm mạnh do thị trường đã lường trước về khả năng tổ chức này không cắt giảm sản lượng khai thác. Tuy vậy, sau khi OPEC công bố kết quả cuộc họp, giá dầu thậm chí còn giảm với tốc độ lớn hơn.

Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2015 có thời điểm giảm 5,17 USD/thùng, tương đương mức giảm 6,7%, còn 72,58 USD/thùng. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent dừng ở 72,82 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 giao dịch điện tử có lúc sụt 6,9%, còn 68,59 USD/thùng.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ năm 2011, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 năm giá dầu tại thị trường New York tụt dưới mốc 70 USD/thùng.

Các nước thành viên nghèo hơn trong OPEC như Venezuela đã lên tiếng kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu nhằm “cứu” giá. Tuy nhiên, quốc gia quyền lực nhất trong nhóm này là Saudi Arabia đã không chấp nhận đề xuất này.

OPEC, tổ chức gồm 12 thành viên chiếm 1/3 sản lượng dầu của thế giới, quyết định sẽ duy trì mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Hiện tại, OPEC đang sản xuất nhiều hơn mức sản lượng mục tiêu này, nên quyết định như vậy đồng nghĩa với iệc nhóm sẽ cắt giảm khoảng 300.000 thùng dầu trong sản lượng mỗi ngày. Mức cắt giảm như vậy là nhỏ bé để có thể tác động tới tương quan cung-cầu hiện tại.

Trước khi OPEC họp, giới phân tích cho rằng, nhóm này cần cắt giảm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày nếu muốn hỗ trợ giá dầu. Từ đầu mùa hè tới nay, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30%.

“Thị trường còn chưa tin mức giá dầu hiện tại đã đủ thấp để kéo sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng chậm lại. Bởi thế, trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ giảm dưới 70 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ còn giảm sâu hơn”, các nhà phân tích của Barclays nhận xét về triển vọng giá dầu.

Theo một số chuyên gia, OPEC muốn giữ giá dầu thấp để giữ khách hàng, duy trì thị phần trong bối cảnh Mỹ ngày càng sản xuất được nhiều dầu. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, OPEC đang hành động khôn ngoan vì giá dầu giảm sẽ giúp nền kinh tế các nước tiêu thụ dầu hồi phục.

Nga được xem là quốc gia thiệt hại nhiều nhất từ xu hướng hiện nay của giá dầu. Giá dầu giảm sâu là một đòn giáng mạnh vào Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy tới bờ vực suy thoái.

Thông tin giá dầu hôm qua đã đẩy đồng Rúp của Nga xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD.

Venezuela cũng là một trong những quốc gia khốn đốn vì giá dầu giảm. Quốc gia Nam Mỹ này thậm chí đang có nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ vì nguồn thu từ xuất khẩu dầu giảm sút và nền kinh tế trong nước suy kiệt bởi các biện pháp quản lý sai lầm của Chính phủ. Mới đây, Venezuela đã được chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc nới các điều kiện thanh toán nợ.

Cổ phiếu của các công ty dầu lửa lớn tại thị trường châu Âu lao dốc mạnh trong phiên hôm qua, trong đó cổ phiếu của Royal Dutch Shell giảm 4,3%, cổ phiếu Total giảm 4,1%, và cổ phiếu BP giảm 2,7%. Thị trường Mỹ đêm qua đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn.

Phương Anh
Tổng hợp

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm