1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá dầu tăng cao sau lệnh cấm của Nga, nhiều nền kinh tế lao đao

Phương Liên

(Dân trí) - Giá dầu toàn cầu liên tục tăng cao và thiết lập những kỷ lục mới sau lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng của Nga. Điều này ảnh hưởng ra sao đến Mỹ, châu Âu và các nước đang phát triển?

Nga hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel

Ngày 21/9, Chính phủ Nga đưa ra lệnh cấm tạm thời việc xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm ổn định thị trường nhiên liệu trong nước trong thời điểm thu hoạch lúa mì. 

Tuyên bố của Chính phủ Nga cho biết: "Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng trong nước". Theo Bộ Năng lượng Nga, bước đi này cũng sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu nhiên liệu động cơ trái phép.

Trong những tháng gần đây, Nga đã phải chịu tình trạng thiếu xăng và dầu diesel. Giá nhiên liệu bán buôn đã tăng vọt, mặc dù giá bán lẻ được giới hạn để kiềm chế giá phù hợp với lạm phát chính thức.

Cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực vựa lúa mì phía nam nước Nga, nơi nhiên liệu là phần thiết yếu cho việc thu hoạch mùa màng.

Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu diesel và xăng bằng đường biển lớn nhất thế giới. Lệnh cấm được thực hiện sau khi lượng xuất khẩu giảm vào đầu tháng này, kéo giá dầu diesel tại châu Âu tăng.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu Brent giao tháng 12 giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức 90,71 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm 2,2%, xuống mức 88,82 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá 2 loại dầu trên đã tăng gần 30% trong quý III trước những dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sau khi Arab Saudi và Nga gia hạn các kế hoạch cắt giảm nguồn cung đến cuối năm nay.

Nhiều nền kinh tế lao đao

Chỉ vài tháng trước, tài sản ở các thị trường mới nổi đều có diễn biến tích cực khi lạm phát giảm bớt và kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất xuất hiện. Nhưng, điều này hiện đã khác.

Sự thay đổi nhanh chóng xảy ra khi giá dầu tăng khoảng 30% và thay đổi động lực của các quốc gia đang phát triển. Giá dầu thô đắt hơn khiến áp lực về lạm phát quay lại, giảm kỳ vọng lãi suất đồng thời làm suy yếu cán cân tài chính của các nước nhập khẩu dầu.

Tài sản của các quốc gia đang phát triển cũng trở nên dễ bị tổn thương khi Mỹ cam kết giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn và giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng.

"Xu hướng giảm phát ở các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc đã chững lại. Giá dầu có ảnh hưởng lớn, nhưng giá lương thực, đồng USD mạnh hơn và tình trạng giảm phát từ Trung Quốc cũng là những yếu tố bổ sung", Jon Harrison, Giám đốc điều hành chiến lược tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData chia sẻ với Bloomberg.

Giá dầu tăng cao sau lệnh cấm của Nga, nhiều nền kinh tế lao đao - 1

Giá dầu thô đắt hơn khiến áp lực về lạm phát quay lại, giảm kỳ vọng lãi suất đồng thời làm suy yếu cán cân tài chính của các nước nhập khẩu dầu (Ảnh: Financial Times).

Hasnain Malik, chiến lược gia của công ty dữ liệu Tellimer cũng cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và có tỷ lệ dầu thô cao trong thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các quốc gia này bao gồm Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Jordan, Kenya và Maroc.

Carlos de Sousa, nhà quản lý thị trường mới nổi của công ty quản lý tài sản Vontobel Asset Management cho biết, họ đang tìm cách giảm bớt vị thế của mình tại các thị trường phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu vì chi phí cao hơn sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán và tiền tệ của các quốc gia.

Trong khi đó, tác động của việc dầu tăng giá là không đồng đều. Đối với các nhà xuất khẩu năng lượng như Malaysia, Mexico và Arab Saudi, giá dầu thô đắt hơn là yếu tố tích cực giúp tăng doanh thu.

Chia sẻ với Bloomberg, Marcella Chow, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management cho biết: "Giá dầu cao hơn có thể làm giảm thu nhập thực tế và làm chậm tăng trưởng của các nền kinh tế nhập khẩu. Điều này có thể gây áp lực giảm giá đối với tiền tệ và ngân hàng trung ương có thể cần duy trì lãi suất ở mức hiện tại hoặc thậm chí tăng lãi suất để bảo vệ tiền tệ".

Người tiêu dùng bị ảnh hưởng

Tại một số nơi trên thế giới, đà tăng của giá dầu bắt đầu ảnh hưởng. Giá xăng ở Mỹ đang tăng nhanh chóng trong khi vào thời điểm này mọi năm giá thường giảm. Giá dầu diesel tương lai ở châu Âu gần đây cũng đã đạt 130 USD/thùng.

Ngay cả hàng không, lĩnh vực đóng vai trò động lực thúc đẩy giá dầu tăng, cũng bắt đầu lo ngại. Delta Air Lines gần đây đã giảm kỳ vọng về lợi nhuận do chi phí nhiên liệu cao hơn.

Đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, tác động của đà tăng giá dầu lên tốc độ tăng trưởng và lạm phát đã giảm bớt so với trước đây. Cả 2 nước đều đã mua lượng lớn dầu thô giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, 2 quốc gia này có thể gặp khó khăn nếu giá dầu diesel tăng cao hơn do lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu gần đây của Nga.

Giá dầu tăng cao sau lệnh cấm của Nga, nhiều nền kinh tế lao đao - 2

Đà tăng của giá dầu bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng (Ảnh: Bloomberg).

Tại Mỹ, giá dầu tăng ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng trong thời điểm lạm phát. Trước cuộc bầu cử vào năm sau, Nhà Trắng còn rất ít lựa chọn để xoa dịu người tiêu dùng, đặc biệt là khi kho dự trữ dầu của nước này đã giảm xuống còn khoảng một nửa so với bình thường.

Trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, cũng không có dấu hiệu cho thấy mức tiêu thụ đang suy yếu. Công ty Oil India, dự kiến mức tiêu thụ của nước này sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2040.

Tuần trước, Chính phủ Anh đã trì hoãn một số mục tiêu quan trọng về khí hậu với lý do chi phí. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả Thụy Điển, cũng phải hủy bỏ một số quy định trong những tháng gần đây vì ảnh hưởng của giá dầu.

Châu Âu "đau đầu"

Dầu diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô khắp lục địa. Dầu cũng là nhiên liệu sưởi ấm chính tại một số quốc gia trong thời điểm mùa đông đang đến gần.

Chính vì vậy, động thái từ Moscow tiếp tục tạo ra mối đe dọa kinh tế lớn cho châu Âu. Vốn dĩ, giá năng lượng tại châu lục này đã tăng mạnh sau khi Nga và Arab Saudi tuyên bố tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu thô cho tới cuối năm nay.

Giá dầu tăng cao sau lệnh cấm của Nga, nhiều nền kinh tế lao đao - 3

Các thị trường Nga cung ứng dầu diesel (Ảnh: Bloomberg).

Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, chia sẻ với CNN: "Moscow đưa ra lệnh hạn chế vào thời điểm này thực sự rất tệ, nhu cầu về dầu diesel rất lớn vào mùa đông".

Chia sẻ với Financial Times, ông Henning Gloystein, Giám đốc của công ty tư vấn Eurasia Group, lưu ý rằng các giới hạn xuất khẩu đã được đưa ra khá chính xác trước mùa sưởi ấm ở châu Âu.

"Không có gì ngạc nhiên khi Nga đang thực hiện một nỗ lực khác để gây ra tổn thất kinh tế cho phương Tây khi mùa đông đến gần", ông Henning nhận định. Ông cho rằng Moscow đang "vũ khí hóa" nguồn cung dầu, tương tự những cáo buộc năm ngoái khi nước này hạn chế xuất khẩu khí đốt sang EU.

"Vì châu Âu đã có một năm rưỡi để điều chỉnh trước các mối đe dọa của Nga và việc cắt giảm nguồn cung, nên nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông này là rất thấp", chuyên gia nhấn mạnh.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Theo công ty dữ liệu Vortexa, Nga chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ đầu năm đến nay.

Trước xung đột, các nhà máy lọc dầu của Nga đã xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày. Con số đó đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại, nhưng Nga vẫn là quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Giá dầu tăng cao sau lệnh cấm của Nga, nhiều nền kinh tế lao đao - 4

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về tác động tiềm ẩn của lệnh cấm của Nga (Ảnh: Arab News).

Do đó, khi lệnh hạn chế mới được ban hành, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về tác động tiềm ẩn của lệnh cấm của Nga, đặc biệt vào thời điểm lượng tồn kho dầu diesel toàn cầu đã ở mức thấp. 

Warren Patterson, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga là một diễn biến lớn trước khi mùa đông kéo đến ở Bắc bán cầu, giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng cao.

"Việc mất khoảng 1 triệu thùng dầu diesel của Nga mỗi ngày trên thị trường toàn cầu sẽ được cảm nhận một cách rõ rệt", ông Patterson cho biết trong báo cáo.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc thắt chặt nguồn cung có thể làm tăng sự cạnh tranh toàn cầu về nhiên liệu trong những tháng tới, khiến giá nhiên liệu tăng cao ở nhiều nơi.