“Giá dầu khó tăng trong vài năm tới”
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, giá dầu năm 2015 sẽ chỉ ở quanh mức 50-60 USD/thùng và không chắc sẽ tăng trong vòng một vài năm tới. Trong khi đó, thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ bù đắp cho phần xuất khẩu dầu thô bị thâm hụt.
Giá dầu đang trong xu hướng giảm sâu kể từ tháng 7/2014 tới nay
Tại Tọa đàm khoa học “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 6/2 do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức, Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới NCIF đã đưa ra 3 kịch bản giá dầu và tác động lên kinh tế Việt Nam.
Theo đó, với mô hình nghiên cứu NiGEM của Anh - mô hình chuyên dự báo, đánh giá các cú sốc thế giới tác động đến các nền kinh tế - để nghiên cứu tác động của giá dầu tới kinh tế Việt Nam thì với các mức giảm dưới 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng trong năm 2015 thì sẽ tác động lên mức tăng trưởng GDP lần lượt tăng 0,48% - 0,61 - 0,75%; chỉ số lạm phát cũng giảm lần lượt 1,14% - 1,11% - 1,07%; thu ngân sách nhà nước giảm 6.656 - 7.643 - 8.663 tỉ đồng; dự trữ ngoại hối giảm 1,04 - 1,12 - 1,45 tỉ USD; xuất khẩu tăng 2,9% - 3,44% - 4,01%; nhập khẩu tăng 1,83% - 2,15% - 2,48%.
TS. Khôi cũng cho biết, nếu tính thêm cả yếu tố tác động là trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất cho vay thì tương ứng với 3 kịch bản giá dầu giảm như trên, tác động tới các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng sẽ khác đi: GDP sẽ tương ứng tăng theo trong 3 mức: 0,78% - 0,91% - 1,04%, chỉ số lạm phát tăng 0,23% - 0,26% - 0,29%, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm 3.137 - 4.160 - 5.228 tỉ đồng, dự trữ ngoại hối giảm 0,477 - 0,635 - 0,799 tỉ USD..
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính, Bộ Tài chính dự báo, giá dầu năm 2015 sẽ chỉ ở quanh mức 50 – 60 USD/thùng và cũng không chắc sẽ tăng trong vòng một vài năm tới đây.
Ông cũng cho biết thêm, thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ bù đắp cho phần xuất khẩu dầu thô bị thâm hụt. Dự báo lạm phát trong năm 2015 là vô cùng thấp, khoảng 2 –5%, chính vì thế, giá cả khó tăng trong năm và giá dầu cũng không tránh khỏi xu thế.
TS Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí, Viện dầu khí Việt Nam thì cho rằng, giá dầu khó có thể vượt qua mức 60 USD/thùng. Trong năm 2015, dự báo giá dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nguồn cung lớn, dầu mỏ từ Bắc Mỹ sẽ tăng chậm hơn và nguy cơ với khủng hoảng địa chính trị tiếp tục đe dọa thị trường thế giới. Rất có thể phải đến năm 2016, giá dầu mới có thể nhích lên đáng kể với 70 USD/thùng.
Những nguyên nhân tác động lên giá dầu thế giới
Tại Hội thảo, TS Trung cũng cho biết Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vừa qua đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến động giá dầu trong năm 2014.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2014, giá dầu luôn ở mức độ ổn định, không biến đổi nhiều. Tuy nhiên, đến tháng 11 khi các nước OPEC kiên định không cắt giảm sản lượng, giá dầu ngay lập tức lao dốc không phanh. Đã có thời điểm, giá dầu giảm tới 50%, mức thấp nhất là 45 USD/ thùng (cao nhất gần 120 USD/thùng) điều này khiến cho việc dự báo gặp rất nhiều khó khăn và hầu hết đều không chính xác.
Ảnh minh họa
Theo lịch sử giá dầu thế giới, rất nhiều cú sốc về giá dầu xảy ra, đặc biệt là năm 1986, 1998 và 2008. Trong đó, năm 2008 chứng kiến biến động tới 60% và thời gian diễn ra lâu nhất với hơn 500 ngày. Cuộc khủng hoảng dầu gần nhất năm 2014 mới diễn ra được khoảng hơn 100 ngày cùng với mức biến động 50%. Qua đó cho thấy, sự nghiêm trọng của lần biến động này.
Khủng hoảng lần này cũng tác động mạnh đến ngành dầu khí và với cả các quốc gia. Đối với ngành dầu khí, một số công ty buộc phải cắt giảm đầu tư: Conoco Philips giảm 20%, Total giảm 10%… hoặc cắt giảm các chi phí khác như BP cắt 1 tỷ USD chi phí nhân sự. Dòng tiền của các công ty bị sụt giảm mạnh, trong tương lai có thể OPEC sẽ tiếp tục phải sản xuất thấp hơn, con số dự đoán có thể là giảm 7,5 triệu thùng dầu/ngày.
Giá dầu giảm cũng tác động trái chiều với nhiều quốc gia. Các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc… đang hưởng lợi từ việc này. Mức nhiên liệu giảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn đối với các nước xuất khẩu dầu như Việt Nam, Nga, Iran … mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Đặc biệt với Nga, mức thâm hụt ngân sách của nước này đã lên tới 50% trong năm 2014 – TS. Trung cho hay.
Theo ông, nguyên nhân tác động lên giá dầu thuộc ba nhóm chính: Cung-cầu, tài chính và địa chính trị. Thứ nhất, về cung-cầu, năm 2014, cung dầu thế giới đã vượt cầu tới 1,5 triệu thùng/ngày điều này dẫn tới giá dầu có thể giảm sâu hơn. Bên cạnh đó, nguồn dự trữ dầu thế giới cũng tăng mạnh trong 15 năm trở lại đây. OPEC dường như cũng không còn giữ địa vị trí độc quyền của mình khi nguồn cung dầu ngoài khối này đang tăng mạnh, đặc biệt là từ Bắc Mỹ. Chính phủ Mỹ đã tiếp tục thành công với công nghệ sản xuất dầu đá phiến của mình và mang lại nguồn cung rất lớn cho thị trường thế giới. Rõ ràng, bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự lớn mạnh của Mỹ.
Nguyên nhân thứ hai gây nên biến động giá dầu là từ tác động của địa chính trị với căng thẳng Mỹ - Nga cũng như Arab Saudi và Iran. Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong chiến dịch xâm chiếm các giếng dầu ở Trung Đông cũng có thể tác động tiêu cực đến nguồn cung dầu thế giới.
Còn về thị trường tài chính, điều ảnh hưởng đến giá dầu chỉ có yếu tố tỷ giá khi đồng USD đang tăng trưởng đều đặn.
Trong khi đó, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, xu hướng sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí hay năng lượng mặt trời có thể làm giảm cầu về dầu thế giới.
Bích Diệp