Giá dầu dưới 50USD/thùng sẽ thay đổi nền kinh tế Việt Nam ra sao?

(Dân trí) - Nỗi lo sợ về việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy vậy nhìn vào những so sánh trong quá khứ, câu trả lời cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là khả quan.

Hiện nay, đà giảm của giá dầu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chững lại
Hiện nay, đà giảm của giá dầu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chững lại
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Bước vào tuần đầu tiên của năm 2015, thị trường đã đón nhận thông tin giá dầu thế giới xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Tại Nhật ký tư vấn vừa phát hành cho nhà đầu tư, CTCK Rồng Việt (VDSC) đặt vấn đề, liệu điều này sẽ thay đổi kinh tế Việt Nam ra sao?
 
VDSC cho biết, trong vòng 30 năm qua, giá dầu thế giới có 7 lần giảm mạnh (với mức giảm ít nhất là 35% so với cùng kỳ), trong đó đợt giảm mạnh nhất là vào năm 1986 với mức giảm xấp xỉ 60%. Đối với Việt Nam, diễn biến giá dầu lần này khá tương tự như năm 2008. VDSC đã thực hiện một thống kê về quá khứ để phần nào hình dung xu hướng giảm của giá dầu thay đổi nền kinh tế Việt Nam như thế nào vào giai đoạn đó.
 
Trong đợt giảm của giá dầu vào năm 2008, ngoại trừ hai chỉ tiêu tăng trưởng GDP và sản xuất công nghiệp (đặc biệt là hoạt động khai thác dầu thô) kém khả quan do nền kinh tế thời kỳ này đang trong giai đoạn suy thoái, các chỉ tiêu khác đều ghi nhận mức cải thiện khả quan trong năm 2009.
 
Giá xăng trong nước, được phản ánh trong CPI, trong giai đoạn này cũng có tỷ lệ giảm khá tương quan với giá dầu, tương ứng khoảng 24,14% vào năm 2009. Do đó, lạm phát trong giai đoạn này cũng có mức giảm khá mạnh, tương ứng 6,88% trong năm 2009 (so với mức tăng 22,97% của năm 2008). Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô như thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN), cán cân thương mại và chỉ số nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đều cải thiện tích cực sau thời điểm giá dầu giảm mạnh.
 
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý điểm khác biệt: năm 2009 là năm đầu tiên Chính Phủ bung mạnh “gói kích cầu” khoảng 150.000 tỷ đồng, đi cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Trong khi đó, năm 2015, có chăng là năm lãi suất tiếp tục giảm nhưng dư địa giảm sẽ không quá mạnh như năm trước.
 
So sánh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong hai đợt giảm giá dầu (nguồn: VDSC)
So sánh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong hai đợt giảm giá dầu (nguồn: VDSC) 

Xét về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xu hướng giảm của giá dầu cũng ảnh hưởng nhiều lên giá cổ phiếu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo thống kê, giá dầu giảm hỗ trợ tích cực cho việc cải thiện các chỉ tiêu như tỉ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS), biên lợi nhuận gộp và ròng của VN-Index trong giai đoạn 2008-2010. Theo đó, EPS của VN-Index trong năm 2009 tăng 73,2% so với cùng kỳ. Một điểm sáng khác, trong khi biên lợi nhuận gộp của VN-Index của năm 2009 chỉ đạt 19% so với mức 16,16% của năm 2008 thì biên lợi nhuận ròng của VN-Index tăng mạnh lên mức 11,83% so với mức 6,63% (năm 2008).
 
Trở lại hiện tại, các chỉ báo vĩ mô trong năm 2014 cũng cho cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2015. Trong những tháng cuối năm 2014, lạm phát cả nước một vài tháng cũng ghi nhận mức giảm phát. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong những ngày gần đây cũng dự báo mức CPI thấp trong tháng 01/2015. Những điều này giúp thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng cao, qua đó cũng hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong nước trong năm nay.
 
Xét về khía cạnh từng doanh nghiệp, giá dầu giảm không phải là một điểm sáng cho kết quả kinh doanh (KQKD) của tất cả các doanh nghiệp. Theo VDSC, điều này sẽ được phản ánh rõ nét trong KQKD Quý 4/2014 được công bố sắp tới. Theo đó, bức tranh KQKD sẽ diễn biến khá trái chiều: một mặt kém khả quan đối với KQKD của doanh nghiệp kinh doanh và khai thác dầu khí hoặc hoạt động trong mảng phụ trợ cho hoạt động khai thác; mặt khác sẽ khả quan đối với các doanh nghiệp hưởng lợi từ giá dầu giảm (giảm chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa,…).
 
Theo Goldman Sachs, đợt giảm giá dầu lần này chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố cung của thị trường hơn là liên quan đến suy thoái kinh tế như đã diễn ra trong năm 2008.  Hiện nay, đà giảm của giá dầu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chững lại và theo nhận định của tổ chức này sẽ khó tăng trong ngắn hạn. Nỗi lo sợ về việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy vậy nhìn vào những so sánh trong quá khứ, câu trả lời cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là khả quan - VDSC nhận định.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”