Giá cá tra tăng kỷ lục, người nuôi mừng nhưng vẫn nặng nỗi lo

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Cá tra hiện được thu mua với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi 3.000 - 5.000 đồng/kg. Giá cá tăng cao, người nuôi hồ hởi nhưng vẫn nặng nỗi lo vụ sau.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, mỗi năm, ĐBSCL có hơn 5.000ha thả nuôi cá tra và trong 2 năm qua, giá cá tra sụt giảm mạnh khiến không ít người nuôi thua lỗ, treo ao. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2022, giá cá tra tăng mạnh, từ 25.000 đồng/kg tăng vọt lên 28.000 và 30.000 đồng/kg như hiện nay.

Anh Trung Tín - một hộ nuôi cá tra tại TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, gia đình anh theo nghề nuôi cá tra nhiều năm, mỗi năm cung cấp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 15.000 - 18.000 tấn cá tra nguyên liệu.

Giá cá tra tăng kỷ lục, người nuôi mừng nhưng vẫn nặng nỗi lo - 1

Trong 2 năm qua, giá cá thấp dẫn đến người nuôi thua lỗ nên nhiều hộ chuyển đổi mô hình hoặc treo ao (Ảnh: Nguyễn Hành).

Anh Tín cho biết, hiện giá cá tra nguyên liệu được các thương lái thu mua với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg (cá có trọng lượng từ 1 kg trở xuống). Với giá này người nuôi có lời 3.000 - 5.000 đồng/kg. Người nuôi cá tra rất phấn khởi, tuy nhiên vẫn nặng nỗi lo cho vụ năm sau.

Lý giải về giá cá tăng cao, anh Tín cho biết, có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn, vụ năm rồi người dân nuôi cá thua lỗ, dẫn đến treo ao. Hoặc do thiếu vốn, dịch bệnh nên hộ nuôi giảm diện tích nuôi, giảm mật độ nuôi,… Từ đó dẫn đến sản lượng cá trên địa bàn tỉnh năm nay giảm nên cầu vượt cung làm giá cá tra tăng.

Giá cá tra tăng kỷ lục, người nuôi mừng nhưng vẫn nặng nỗi lo - 2

Khi giá cá tra tăng cao, giá cá giống tăng theo, thức ăn cũng đã tăng giá nên người nuôi lo lắng vụ sau, nếu giá cá tuột giảm, nông dân nuôi cá lỗ nặng (Ảnh: CTV).

Còn về nỗi lo khi giá cá đang ở mức cao, anh Tín phân tích, khi giá cá tra tăng cao, kéo theo giá cá giống tăng theo và giá thức ăn đã tăng lên. Do đó, giá đầu tư 1kg cá tra thương phẩm năm sau tăng hơn 25.000 đồng/kg, nếu giá cá trở về mốc 22.000 - 24.000 đồng/kg thì người nuôi rơi vào cảnh thua lỗ như những năm trước đây.

Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, anh Tín và nhiều hộ nuôi ở Đồng Tháp khuyến nghị các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không thấp thỏm đầu ra.

Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong hoạt động kinh doanh của mình, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá. Khi người nuôi và doanh nghiệp có sự liên kết với nhau chặt chẽ, không còn câu chuyện thừa thiếu nguyên liệu, dẫn đến giá cá "nhảy múa" như thời gian qua.

Giá cá tra tăng kỷ lục, người nuôi mừng nhưng vẫn nặng nỗi lo - 3

Theo người nuôi cá và Hiệp hội nghề cá tra nhiều tỉnh ĐBSCL, giá cá tăng cao chủ yếu là do nguồn cung thiếu, do đó, giá cá sớm bình ổn trở lại nên người dân không nên ồ ạt thả nuôi (Ảnh: Hoàng Vũ).

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra An Giang - cho biết, giá cá tăng cao như mấy ngày qua, chủ yếu là thời gian trước đây nguồn cá đứt gãy. Nguyên nhân, do hộ nuôi thua lỗ, thiếu vốn, treo ao… Từ đó, dẫn đến thiếu cá nguyên liệu, giá cá cao nhưng dân không có cá để bán cho doanh nghiệp.

Theo ông Bình, thường trực Hiệp hội Nghề cá và Chế biến cá tra An Giang đã khuyến cáo hộ nuôi cá không nên ồ ạt thả nuôi hay mở rộng diện tích, vì giá cá có thể bình ổn lại vào tháng 7. Còn người dân "bất chấp" nuôi, nguồn cá dồi dào trở lại, giá cá sụt giảm, người nuôi lỗ nặng.

Trong khi đó, phát biểu với báo chí, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, khuyến cáo các địa phương cần có sự kiểm soát diện tích ao nuôi, tránh ồ ạt thả nuôi mà thiếu sự liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ cá. Vì nếu không kiểm soát được diện tích và sản lượng cá dẫn đến cung vượt cầu và câu chuyện rớt giá mạnh có thể sẽ tái lập.

Nhiều hộ nuôi cá tra tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp kiến nghị, đã đến lúc ngành chức năng siết lại nghề nuôi cá tra theo hướng bền vững, trong đó siết điều kiện nuôi, như: diện tích ao nuôi, kỹ thuật, nguồn giống, vấn đề môi trường, nước thải… và hợp đồng liên kết tiêu thụ cá với doanh nghiệp. Nếu hộ nào không đảm bảo, thì không cho nuôi để tránh nhiễu loạn giá cá, sản lượng cá tra như bao năm qua.