1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá cả tăng không phải do mất cân đối cung cầu

(Dân trí) - 3 tháng vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh với những diễn biến phức tạp. Mặc dù vậy, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, giá cả tăng không phải do mất cân đối cung cầu hàng hóa.

Giá cả tăng không phải do mất cân đối cung cầu - 1
Giá cả tăng không phải do thiếu hàng (ảnh minh họa)
 
Tại buổi họp báo chiều 30/11 về việc triển khai Chỉ thị số 1875/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn thị trường hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn sẽ được đảm bảo đầy đủ. Các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dữ trữ hàng hóa cho đợt cao điểm cuối năm ngay từ tháng 10.
 
Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân dối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép và các hàng hóa phục vụ Tết.
 
Đồng thời, chỉ đạo các DN tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá từ nay đến hết năm 2010 và quý I/năm 2011 và đặc biệt chú trọng dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.
 
Tuy nhiên, tại buổi họp báo, đại diện của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho biết, việc bình ổn giá trong giai đoạn này không có nghĩa là không cho giá tăng.
 
Nhiều mặt hàng trong nước như phân bón, đường, thực phẩm... vẫn đang thấp hơn giá thế giới nên vẫn có thể tăng cho phù hợp với diễn biến của thị trường, song mức tăng giá sẽ không quá lớn khi nguồn cung được đảm bảo.
 
Với các mặt hàng nông nghiệp, bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phân tích: "Giá lúa gạo không chỉ phụ thuộc vào cân đối cung cầu mà còn bị ảnh hưởng bởi giá thế giới.
 
Tháng 8, giá gạo xuất khẩu là 420 USD/tấn nhưng bây giờ có những hợp đồng đã ký được với giá 495 - 500 USD/tấn nên không thể kìm nén giá trong nước như thời điểm giá xuất khẩu chỉ có 420 USD/tấn. Kìm chế giá gạo trong bối cảnh giá đầu vào như phân bón... tăng sẽ làm cho bà con nông dân thua thiệt.
 
Thứ trưởng Thoa cũng thừa nhận: Có tình trạng xuất lợn sang Trung Quốc và giá xuất cao hơn giá bán trong nước. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa ngăn chặn việc này vì giá cao một mặt gây áp lực giá nhưng mặt khác lại giúp cho bà con nông dân có động lực gây dựng lại đàn heo sau dịch bệnh (mất 40 ngày cho một đàn heo). Hơn nữa, nguồn cung gia cầm hiện rất dồi dào nên vẫn có khả năng điều tiết giữa gia cầm và thịt lợn để không thiếu thực phẩm, kể cả trong dịp Tết.
 
Cùng với việc tăng cung hàng hoá, Thứ trưởng Thoa khẳng định, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả, tập trung  vào một số nội dung: kiểm tra các hành vi đẩy giá lên cao, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, loan tin thất thiệt về thị trường, gian lận về giá và đo lường...
 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm