1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá cà phê đã lên tới 20.000 đồng/kg

Giá cà phê nhân giao dịch tại thị trường Đăk Lăk, Buôn Mê Thuột cuối tuần qua đã leo tới mức mà giới kinh doanh chế biến cà phê lo ngại từ nhiều tháng qua. Đại lý tiêu thụ, nông dân trồng cà phê vui như mở cờ còn nhà chế biến thì cho rằng có bàn tay của giới đầu cơ khi mà giá cà phê đã lên tới 20.000 đồng/kg.

Bà Trần Thị Luận, đại lý cà phê tại Buôn Mê Thuột cho biết: "Các đại lý khác nâng giá nên tôi cũng đẩy giá theo". Còn ông K'sor Kmar, nông dân trồng cà phê ở Gia Lai, thì tiếc rẻ: "Nếu còn 1 ha cà phê bị chặt mùa trước thì năm nay nhà tôi thu nhập gần 500 triệu đồng nhờ giá lên".

Theo ông, hằng năm doanh thu cà phê của gia đình ông đạt khoảng 200 triệu đồng chưa trừ chi phí các loại, lợi nhuận không cao so với mức đầu tư nên phải chặt bỏ bớt diện tích cà phê, giảm chi phí đầu tư chăm sóc.

Tuy nhiên giới kinh doanh cà phê chế biến thì bắt đầu lo lắng. Một giám đốc công ty cà phê đề nghị không nêu tên nói, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để ghìm giá cà phê, không thả nổi như hiện nay, cũng như phải quy định mức trần cho cà phê nguyên liệu ngoài thị trường tự do.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê, có vẻ như giới đầu cơ đang tạo sức ép ngày một lớn với thị trường bằng cách liên tục tăng giá mua bán cà phê nguyên liệu.

Vấn đề có nên nhập cà phê nguyên liệu của những thị trường nước ngoài một lần nữa lại được các nhà sản xuất cà phê chế biến đặt ra.

Ông Ngô Tấn Giác, Chủ doanh nghiệp tư nhân cà phê Thu Hà tại Đăk Lăk nói: "Nếu có những nguồn cà phê các nước trong khu vực giá thấp hơn trong nước hiện nay thì tôi sẵn sàng thương lượng để nhập". Ông cho biết đã quá mệt mỏi khi phải "canh" trong khi giá cà phê liên tục "nhảy lambada".

Giám đốc một công ty kinh doanh cà phê khác cho biết, ông đang tìm kiếm những nguồn cung cấp hàng từ nước ngoài, tuy nhiên theo khảo sát của ông, giá cà phê tại Singapore, Indonesia đang tương đương với giá tại Việt Nam.

Còn cà phê ở các nước châu Mỹ có giá rẻ hơn, nhưng đường xa, chi phí vận chuyển quá cao. Một nhà chế biến cho biết, công ty ông đã có những thương lượng để mua cà phê nguyên liệu từ Lào nhưng phương thức thanh toán cho thị trường này gặp nhiều khó khăn nên không thể triển khai được.

Theo tìm hiểu, cà phê không thuộc mặt hàng hạn chế nhập khẩu do đây là sản phẩm ưu thế xuất khẩu của Việt Nam. Giá cà phê tại Việt Nam vốn vẫn thấp hơn giá thế giới và là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu cà phê trên thế giới.

Phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc nhập cà phê nguyên liệu của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra nếu giá thế giới thấp hơn giá tại Việt Nam. 

Đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khi phát biểu với báo chí cũng cho rằng, giá cà phê Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức chấp nhận được, và doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê vẫn còn có lời.

Bà Võ Thị Hà Giang, trưởng Nhóm giao tế nhân sự Công ty cà phê Trung Nguyên cũng cho biết: "Công ty thu mua nguyên liệu theo hợp đồng bao tiêu và đều có dự trữ nguyên liệu để sản xuất. Tuy rất muốn nhập cà phê các thị trường khác về, nhưng công ty không thể nhập được. Ngoài một số khó khăn khác, còn e rằng việc nhập cà phê sẽ ảnh hưởng đến việc tồn tại và phát triển ngành nông nghiệp cà phê Việt Nam".

Theo VnExpress