1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá cả được dự đoán tăng trưởng âm trong tháng này

(Dân trí) - Báo cáo phân tích của BSC cho rằng, tháng 3 sau Tết thường là tháng có mức tăng CPI thấp (thậm chí âm) vì đây là thời điểm nhu cầu người dân trở lại bình thường sau khi tăng lên trong dịp Tết.

Ảnh: Quang Phong
Ảnh: Quang Phong


Theo nhận định của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), mặc dù là tháng Tết nhưng CPI vẫn giảm, điều này có 3 nguyên nhân. Thứ nhất do vẫn là do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh (giá xăng giảm 11,5%; giá dầu diesel giảm 11,9%; giá dầu hỏa giảm 10 %).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết không tăng mạnh như các năm trước do tâm lý chi tiêu tiết kiệm hơn của người dân. Một nguyên nhân khác kéo CPI tháng 2 là công tác bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán được thực hiện hiệu quả.

Trong tháng 2, ảnh hưởng từ điều chỉnh giá xăng dầu đã tác động làm giá nhóm giao thông giảm mạnh ở mức 4,41%, đóng góp 0,39% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, một số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng giá giảm so với tháng trước là : Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,41%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 

Ngược lại các nhóm tăng giá gồm có: đồ uống và thuốc lá tăng 0,56%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,53%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,03%.

Theo nhận định của BSC, tháng 3 sau Tết thường là tháng có mức tăng CPI thấp (thậm chí âm) vì đây là thời điểm nhu cầu người dân trở lại bình thường sau khi tăng lên trong dịp Tết. Do đó CPI tháng 03/2015 nhiều khả năng tiếp tục giảm, dự báo ở mức -0,3% đến -0,2% so với tháng 2.

Diễn biến CPI có khả năng sẽ ấm trở lại trong nửa cuối năm 2015 và dự báo cả năm tăng dưới mức 5%.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”