Đồng Nai:
Giá cả bấp bênh, nông dân nuôi gà điêu đứng
(Dân trí) - Huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), nơi được xem là “thủ phủ” chăn nuôi gà cung cấp trứng và thịt cho nhiều tỉnh thành phía Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường bấp bênh, người dân nuôi gà có nguy cơ thua lỗ khi giá xuống quá thấp.
Nuôi nhiều...lỗ lớn
Năm 2014 gia đình anh Phạm Văn Cường (chủ một trại nuôi gà đẻ tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi 40.000 còn gà đẻ. Tuy nhiên do giá trứng vào thời điểm đó xuống thấp nên anh Cường thua lỗ gần 1 tỷ đồng. Hụt vốn nên năm nay anh Cường chỉ dám đầu tư nuôi 25.000 con gà. “Nếu lại lỗ nữa chắc phải kiếm việc mới để làm”, anh Cường buồn rầu chia sẻ.
Cũng như anh Cường, gia đình anh Trần Việt Sơn (huyện Thống Nhất) những năm qua cũng phải liên tục thu hẹp quy mô nuôi để tránh thua lỗ. Bởi theo anh Sơn nuôi ít còn có thể xoay vốn chứ nuôi nhiều lỗ lớn là nông dân như anh hết tiền để xoay sở để làm ăn.
Theo nhiều chủ trang trại, giá cả thị trường là yếu tố quyết định trong việc làm ăn của người nuôi gà. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cả lên xuống thất thường, trong khi người nông dân không thể biết lúc nào giá lên, lúc nào giá xuống nên chỉ biết trông chờ vào may rủi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá cả bấp bênh là nguyên nhân chính khiến các trại gà tư nhân thua lỗ và phải bỏ nghề. Cũng vì thua lỗ nên gần đây nhiều trại gà tư nhân đã phải ngưng nuôi, thậm chí có hộ đã chuyển hẳn sang công việc mới chứ không còn treo chuồng chờ giá để tái đàn như trước.
Đi nuôi gà thuê
Tiếp tục nuôi thì nhiều nguy cơ nắm phần lỗ, nhiều trại gà tư nhân quyết định chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn. Dù không mang lại lợi nhuận cao như hình thức tự nuôi, tuy nhiên, hình thức nuôi gia công giúp cho người nuôi ít chịu áp lực về nguy cơ thua lỗ.
“Sau nhiều lần thua lỗ, hụt vốn tôi chuyển sang nuôi gà theo hình thức nuôi gia công cho một công ty chăn nuôi. Dù lợi nhuận thấp vì đây như là tiền công họ trả để mình nuôi thuê cho họ, nhưng được cái không lo lắng về giá cả và đầu ra”, anh Trần Minh Hải (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chia sẻ.
Với hình thưc này, người nuôi chỉ đầu tư trại nuôi các công đoạn khác như: con giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh, đầu ra sản phẩm đều được các công ty chăn nuôi lo liệu. Người nuôi chỉ cần nuôi gà đạt trọng lượng theo yêu cầu của các công ty là được trả tiền công.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện trên địa bàn huyện Thống Nhất có hơn 100 trại gà tư nhân thì có đến hơn 90% là nuôi gia công cho các công ty. Đa số người nuôi gà tại huyện Thống Nhất đang làm thuê ngay tại nhà mình.
“Nuôi gia công người nuôi không được lợi gì nhiều mà lợi nhuận chủ yếu thuộc về các công ty chăn nuôi. Ngoài ra, nguy cơ các công ty bắt tay làm giá cũng là một mối lo đối với người tiêu dùng. Với hình thức này, các công ty nắm trong tay gần như toàn bộ sản lượng thịt cũng như trứng gà. Nếu họ bắt tay làm giá, thao túng thị trường thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cảnh báo.