1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá bán điện căn cứ vào những yếu tố nào?

Văn Hưng

(Dân trí) - Khung giá bán lẻ điện là một trong các cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Mức và thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ phải phù hợp, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Cùng với khung giá này, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết Luật Điện lực quy định giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quy định căn cứ theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cơ chế điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng quyết định. Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng Bộ Tài chính xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân trình lên Chính phủ.

Với khung giá bán lẻ điện bình quân mới đã có, ông Trần Tuệ Quang cho biết đó sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng căn cứ theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Khung giá bán lẻ điện bình quân vừa được Chính phủ ban hành, trong khi mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của tất cả khâu của ngành điện: chi phí khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện, phụ trợ quản lý ngành.

Giá bán điện căn cứ vào những yếu tố nào? - 1

Đã 4 năm giá bán lẻ điện bình quân chưa thay đổi (Đồ họa: Thủy Tiên).

Đáng chú ý, các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm) bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ, giá nhiên liệu cũng như cơ cấu sản lượng điện phát của tất cả nhà máy điện trong hệ thống.

Đơn cử, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021, cụ thể là từ mức bình quân 138 USD/tấn năm 2021 tăng lên khoảng 359 USD/tấn vào 10 tháng đầu năm 2022 và duy trì tới nay. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam, nên chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng cao. Chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập, than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập) cũng tăng. 

Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.