Gặp người đưa rơm Việt thành hàng xuất khẩu tiền tỷ

(Dân trí) - Đam mê cơ khí, quyết tâm gắn bó với đồng đất Tháp Mười và người nông dân, sau hơn 30 năm, ông Phan Tấn Bện (Đồng Tháp) đã cho ra đời chiếc máy cuốn rơm, đưa những phế phẩm sau thu hoạch thành sản phẩm xuất khẩu tiền tỷ.

Sau rất nhiều công trình sáng chế máy móc nông nghiệp có tính ứng dụng thực tiễn cao, cung cấp ra thị trường với giá cả rẻ hơn hàng chục triệu so với hàng nhập ngoại, từ năm 2013 ông Phan Tấn Bện đã bắt tay nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy cuốn rơm tự chế. Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế, hoạt động trên các đồng ruộng ở Nam Bộ cũng như tham gia vào hàng chục mặt hàng cơ khí xuất ngoại mỗi năm.

Ông Phan Tấn Bện là một trong những cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần IX tại Hà Nội (6 - 7/12/2015)
Ông Phan Tấn Bện là một trong những cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần IX tại Hà Nội (6 - 7/12/2015)

Đưa rơm xuất ngoại

Bên lề Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 9 diễn ra hôm qua 6/12 tại Hà Nội, ông Bện phấn khởi cho hay: “Năm nay tôi đã có thể đem rơm đi bán ở nước ngoài rồi chú ạ! Phụ phẩm của bà con không phải là phế phẩm nữa, mà là sản phẩm xuất khẩu nghìn đô, triệu đô thậm chí vài chục triệu đô nếu biết khai thác tốt từ thị trường Nhật Bản, Úc, New Zealand, nơi có ngành chăn nuôi trâu, bò phát triển”.

Theo ông Bện, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBCL) thường đốt bỏ rơm rạ trên cánh đồng gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, ông đã nảy ra ý nghĩ phải chế tạo được máy cuốn rơm để giúp người nông dân tận dung được những phụ phẩm đó.

Rơm sau khi được cuộn gọn được ông Bện mua lại cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh đắt như tôm tươi. Sau đó, từ đầu năm 2015 nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đặt hàng nhập khẩu về nước họ.


Ông Phan Tấn Bện bên cuộn rơm từ máy cuốn rơm của mình tại buổi lễ vinh danh cá nhân xuất sắc trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần IX

Ông Phan Tấn Bện bên cuộn rơm từ máy cuốn rơm của mình tại buổi lễ vinh danh cá nhân xuất sắc trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần IX

Theo ông Bện: “Mỗi bó rơm nặng từ 15 – 25kg, lúc thấp có giá bán ngay từ 10.000 - 15.000 đồng, sấy khô có giá từ 25.000 – 35.000 đồng. Trước đây, chúng tôi chủ yếu cung ứng cho trang trại gia súc, người trồng nấm địa phương. Gần đây, chúng tôi đã trữ hàng cho xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Úc, New Zealand, nơi có đàn gia súc trâu, bò lớn. Chúng tôi đã nhận được đặt hàng của đối tác hơn 350.000 tấn rơm sấy khô để xuất khẩu, trị giá hơn 0,2 USD/kg (4.000 đồng), hiện khách đã trả 60% giá trị, dự kiến khi hoàn tất hợp đồng tổng thu về có thể hơn 1 tỷ đồng.

Kỹ sư của nhà nông

Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp từ năm 1985 với bao kỳ vọng mở ra, nhưng ông lại rẽ ngang gắn bó với xưởng cơ khí, đặt cả tương lai, sự nghiệp và cuộc đời vào nó.

Ông Bện tâm sự: “Tôi chỉ biết rằng, nếu chọn nghề dễ, kiếm được nhiều tiền cho mình thì ai cũng chọn, nhưng ai cũng thế thì Việt Nam nhập máy móc hết sao? Tôi chọn nghề này cho tôi, cho mọi người, nhất là bà con nông dân, nơi tôi sinh ra và trưởng thành. Lợi không nhiều nhưng cái giá là niềm đam mê và tình yêu là vô tận”.

Máy cuộn rơm biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm giá trị cho chăn nuôi trong nước và xuất khẩu của ông Bện
Máy cuộn rơm biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm giá trị cho chăn nuôi trong nước và xuất khẩu của ông Bện

“Đã dấn thân vào nông nghiệp, không phải dễ có được thành quả bởi thị trường cơ khí nông nghiệp Việt nhỏ bé, người nông dân sản xuất nhỏ nên ứng dụng máy móc hạn chế. Mỗi sản phẩm ra đời giá hàng chục, thậm chí trăm triệu, nếu không phù hợp sao nhà nông mua được… Vì vậy, người làm như chúng tôi lấy lợi ích làm đầu là chết chắc, phải lấy tính ứng dụng, chất lượng, giá cả làm đầu mới ăn thua”, ông Bện cho hay.

Theo tính toán của nhà sáng chế, nếu nông dân biết nhu cầu thị trường cần thì mỗi năm rơm xuất ngoại có thể thu được cả trăm triệu đô la mỗi năm
Theo tính toán của nhà sáng chế, nếu nông dân biết nhu cầu thị trường cần thì mỗi năm rơm xuất ngoại có thể thu được cả trăm triệu đô la mỗi năm

Người dân cực bao nhiêu, chúng tôi thấy cần phải cố gắng bấy nhiêu. Rất nhiều công trình cơ khí, chúng tôi phải nghiên cứu 2 năm, thậm chí 5 năm để có tính ứng dụng với đồng đất quê mình", ông Bện cho hay.

30 năm trong nghề cơ khí, 50 năm gắn bó với nhà nông, dù thành công khi chế tạo, xuất khẩu được máy móc có tính ứng dụng cao được quốc tế công nhận, số tiền thu về không nhỏ, thậm chí ông còn lập công ty để giao dịch nước ngoài cho tiện… nhưng với ông: cơ khí nông nghiệp, phục vụ nông thôn và thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, gian khổ và không đơn điệu được.

Nguyễn Tuyền

 

Gặp người đưa rơm Việt thành hàng xuất khẩu tiền tỷ - 5