Gạo Việt thua gạo Thái, Campuchia: Do quản lý hành chính nặng nề
(Dân trí) - Không nên bắt người nông dân phải cõng trên vai trọng trách "An ninh lương thực" trong khi năng suất lao động ngành lúa gạo đang thấp và người dân không giàu lên bằng lúa gạo. Vì vậy, cần đổi mới từ tư duy, đến hướng đi, cách làm phù hợp với thị trường trong một thế giới mà an ninh lương thực không còn được đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển ngành gạo sáng nay (17/3) ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các chuyên gia kinh tế đầu ngành đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, yếu kém của ngành lúa gạo Việt Nam. Theo đó, đây là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến gạo Việt không chỉ thiếu sức cạnh tranh trên sân nhà, mà khi xuất khẩu ra nước ngoài còn bị hiểu là lượng nhiều, nhưng chất ít.
Nhìn vào chỗ nào cũng phải đổi mới
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, vấn đề ngành lúa gạo trong những năm qua đã bộc lộ nhiều yếu kém về tầm nhìn, chiến lược phát triển, quy hoạch đất đai lẫn đầu ra sản phẩm.
"Tôi thấy chỗ nào cũng cần đổi mới và tư duy là kiến nghị đổi mới đầu tiên. Đổi mới tư duy đơn giản là đưa ngành lúa gạo của chúng ta gần với các cơ chế thị trường hơn", ông Cung nói.
Ông Cung phân tích: Chính sách hạn điền ruộng đất đã và đang làm cản trở người nông dân, đặc biệt người có chí hướng, mong muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng do hạn chế đất đai không có diện tích canh tác. "Tôi cho rằng quyền sử dụng đất nông nghiệp không phải là tài sản mà chỉ là công cụ sản xuất. Nếu không còn là nông dân, không canh tác mà đi ra thành phố kiếm việc khác, lẽ ra phải mất đi phần đất đó", TS Cung nói.
Trên thực tế, đây cũng là vấn đề lớn của chính sách đất nông nghiệp hiện nay bởi khá nhiều người đã rời bỏ nông thôn ra thành phố lập nghiệp hàng chục năm nhưng họ vẫn có đất sản xuất ở nông thôn do được chia từ trước đây. Trong khi đó, nhiều địa phương, những thế hệ trẻ mới sinh ra, không được chia đất vì quỹ đất đã hết. Điều này làm nảy sinh bất cập lớn trong chính sách đất đai, khiến cho những công dân mới không có đất sản xuất, không tính kế lâu dài được.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, cái cần đổi mới nhất hiện nay là quan hệ sản xuất giữa Nhà nước và người nông dân trong vấn đề an ninh lương thực, thị trường và xây dựng giá trị cho hạt gạo.
Bà Lan cho hay: "Tôi đi rất nhiều lần vào Đồng bằng Sông Cửu Long và một trong những cái cần bỏ nhất hiện nay là bàn tay quản lý hành chính của Nhà nước trong quy hoạch sản lượng, diện tích, đến phân phối đầu ra. Bàn tay của Nhà nước hiện đang với đến ở tận cấp xã và can thiệp đến tiêu chuẩn cho từng thương nhân xuất khẩu gạo là không ổn".
Gạo Việt bị "ngợp" trong sân chơi: Chất lượng cao, thương hiệu mạnh
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, trong nhiều năm liền chúng ta vẫn chỉ thích lượng trong sản xuất lúa gạo mà chưa chú trọng vào chất và thương hiệu.
"Canh tác lúa gạo của người nông dân bị ám ảnh quá lâu bởi gánh nặng an ninh lương thực. Suốt từ thời sản xuất ra hạt gạo để cứu đói, đến lúc Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo và đến nay chúng ta vẫn bắt người dân phải gánh trên vai trọng trách an ninh lương thực, trong khi giá trị hạt gạo không đủ cho họ khá giả", bà Lan nêu quan điểm.
Bà Lan đề nghị vai trò của Nhà nước chỉ nên tập trung vào chính sách, cơ chế, khuyến khích đầu tư, cần thay đổi để xóa ám ảnh về an ninh lương thực, không phải về lượng mà yêu cầu về chất mới quan trọng. Tính an toàn, dinh dưỡng của gạo phải được nâng cao để cạnh tranh ở trong nước và thị trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho hay: Phân khúc gạo chất lượng cao đang cạnh tranh khốc liệt trên thế giới, vì theo cung cầu người tiêu dùng. Thế giới cần gạo chất lượng, thì các nước cũng làm gạo chất lượng cao. Chơi theo giá cả, hay thương hiệu hay chế biến thì cái đó Việt Nam phải tính xa hơn, không thể mãi sản xuất gạo phẩm cấp thấp được.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Nghiên cứu viên của Viện CIEM nói: Dù Chính phủ khuyến khích tích tụ ruộng đất cho làm nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Nhưng hiện chính sách này thực tế còn nhiều vướng mắc.
Ông Vinh nêu: Quyền tài sản đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm, trong khi, đất công nghiệp tối đa giao cho 50 năm, đất ở là vĩnh viễn. Chính vì thế, nên giá trị đất nông nghiệp khi bán hoặc cho thuê rất rẻ. Nhiều người được công nhận có đất nông nghiệp nhưng mang ra ngân hàng vay vốn không được thế chấp. Nhiều diện tích đất nông nghiệp không bán, không chuyển nhượng mà canh tác lỗ vốn nên người dân đã bỏ ruộng đi ra thành phố lập nghiệp.
Nguyễn Tuyền