Gánh nặng thuế, phí: Khổ như người Việt khi mua xe hơi
(Dân trí) - Với mức thuế, phí cao và giá xe đang ở mức cao, nhu cầu sở hữu một chiếc xe hơi là niềm mong mỏi hàng chục năm qua của nhiều người Việt.
Với mức thu nhập thấp, người Việt phải dành nhiều năm mới có thể mua được chiếc xe che nắng, mưa.
Hiện nay, thuế lớn nhất đối với người sở hữu xe hơi là nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt, hai sắc thuế này chiếm đến gần 60% - 80% giá xe bán ra ngoài thị trường.
Đơn cử một chiếc xe hơi có giá xuất xưởng tạm tính vào khoảng 600 triệu đồng, xe nhập khẩu từ các nước EU, có dung tích xy-lanh 3.000 cc. Mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân 55% đến 64%, thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức trên 60% giá xe. Như vậy, mức thuế, phí cộng dồn là hơn 110% đến 124% giá xe. Khi về đến Việt Nam, mức giá xe được khai báo sẽ ở mức hơn 1,2 đến gần 1,4 tỷ đồng.
Ngoài thuế nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, người sở hữu xe hơi tại Việt Nam sẽ phải thêm chi phí kinh doanh (10-20% tùy theo hãng), phí VAT (10%), phí trước bạ (10-12%), đăng kiểm và đăng ký biển số. Mức thuế, phí này trung bình khoảng 30-40%, khiến mức giá bán đến tay người tiêu dùng từ 1,5 đến gần 2 tỷ đồng/chiếc.
Thực tế, hiện nay có nhiều mẫu xe bán ra tại Việt Nam có giá dưới 400 triệu đồng, các bản Hyundai i10, Kia Morning số sàn có mức khá rẻ để phục vụ người có nhu cầu mua xe chạy dịch vụ. Tuy nhiên, với đa số người dân, xe ô tô bản tự động vẫn có giá cao và ít sự lựa chọn giá rẻ.
Tại các nước trong khu vực, cùng một mẫu xe nhưng giá thường rẻ hơn tại Việt Nam từ 100 đến 300 triệu đồng/chiếc. Mức giá xe rẻ hơn và sự lựa chọn đa dạng hơn, trong khi đó thu nhập bình quân trên người của một số nước đều cao hơn Việt Nam. Đơn cử Thái Lan có thu nhập bình quân/người đạt trên 21.000 USD/năm, Malaysia là hơn 10.400 USD/năm...
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện thu nhập bình quân/năm ước đạt hơn 3.500 USD/năm, tương đương khoảng 80 triệu đồng (theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT). Như vậy, với mẫu xe giá rẻ nhất, hơn 350 triệu đồng, người Việt ít nhất phải dành tiết kiệm tối đa, mất 4 năm mới có thể mua được.
Đối với các mẫu xe trung bình từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, người Việt có thể mất cả chục năm thu nhập mới mua nổi một chiếc xe đi lại. Mức giá xe quá cao đã khiến quy mô thị trường xe không mở rộng được.
Hiện, Việt Nam mỗi năm mới chỉ bán ra được hơn 400.000 đến hơn 450.000 chiếc xe, con số quá ít so với nhu cầu đi lại của gần 100 triệu dân. Trong khi so với dân số các nước như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, quy mô dân số ít hơn Việt Nam nhưng thị trường xe của họ đạt từ 700.000 chiếc đến ngưỡng 2 triệu chiếc/năm.
Năm 2019, tỷ lệ sở hữu xe hơi của người Việt là 23 chiếc/1.000 dân, đứng cuối bảng các quốc gia ASEAN; trong khi đó Thái Lan là hơn 225 chiếc/1.000 dân, Malaysia là 443 chiếc/1.000 dân, Brunei hơn 721 chiếc/1.000 dân.
Theo giới chuyên gia, để tỷ lệ sở hữu xe hơi tại Việt Nam tăng, thị trường xe phát triển, cần xây dựng hệ thống cung ứng nội địa, ưu tiên doanh nghiệp đầu đàn sản xuất ô tô và phụ tùng với những cơ chế, ràng buộc đi kèm.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng các dòng xe chiến lược để sản xuất và định hướng tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh vào xe đem lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất, đi lại.
Với lợi thế là nước đi sau, cùng xu thế phát triển tương lai của xe điện, xe xanh, Việt Nam nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe chạy điện, khí sinh học vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững, vừa giữ gìn môi trường.
Việc xây dựng, mở rộng mạng lưới giao thông là yêu cầu tất yếu cho đất nước công nghiệp hóa, xu thế ô tô hóa trên thế giới. Thực tế, người Việt vẫn coi chiếc xe là tài sản hơn là phương tiện; chính vì vậy, giá xe luôn được neo ở mức cao và khiến những người có nhu cầu sở hữu, đi lại phải dành rất nhiều tiền của mới có cơ hội sở hữu.
Ngoài ra, với tốc độ phát triển của thị trường xe hơi hiện nay, hầu hết các tuyến đường ở đô thị lớn, đô thị trung tâm đều trở nên quá tải, tắc nghẽn. Thay vì tìm giải pháp hạn chế xe hơi, đi ngược lại với hướng phát triển của giao thông thế giới, Việt Nam phải đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, thiết kế, hoạch định hệ thống giao thông mới đảm bảo vừa phát triển hệ thống vận tải, vừa khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển.