1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gắn trách nhiệm Bộ trưởng mới quản nổi tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp?

(Dân trí) - "Trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam quá đề cao vai trò tập thể, coi nhẹ trách nhiệm cá nhân. Quản lý tài sản nhà nước không gắn với trách nhiệm cá nhân là không quản nổi. Tập thể chịu trách nhiệm thì rất khó xử lý"

Đây là chia sẻ của PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN)" được tổ chức sáng nay (19/7) tại Hà Nội.

PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo ông Thiên, dù hệ thống quản lý DNNN đang trong giai đoạn chuyển đổi quyết định, nhưng nếu cứ giám sát theo kiểu báo cáo đến khi nào mới quản được, cần phải đánh giá theo cơ chế thị trường.

Ông Thiên nêu thực trạng, hiện các Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành là chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Họ vừa làm chức năng sở hữu vừa làm chức năng giám sát ngành, doanh nghiệp đó lại vừa ra chính sách. Điều này dẫn đến tình trạng "tranh tối, tranh sáng" để tư lợi, khiến cho chúng ta khó thiết kế ra hệ thống giám sát hiệu quả. Quan trọng là khái niệm sở hữu và giám sát không được tách bạch.

Nói về chức năng giám sát của SCIC và sắp tới đây là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Thiên bình luận: "Chức năng Ủy ban quản lý vốn không rõ ràng thì nó chỉ làm được một số việc thôi".

TS Thiên nói: Chừng nào chúng ta còn coi DNNN thuộc thành phần kinh tế chủ đạo, là một trong những trụ cột thì cơ chế giám sát doanh nghiệp này không thể được loại bỏ. Hiện, về bản chất Việt Nam vắng bóng những ông chủ sở hữu DNNN đích thực. Các DNNN có chủ sở hữu là Bộ, ngành nhưng quyền sở hữu đích thực về kinh tế khác rất nhiều quyền sở hữu pháp lý. Quyền sở hữu về kinh tế phải tạo ra giá trị gia tăng, đường hướng phát triển thay vì phát triển dựa vào "bầu sữa" chính sách và lợi thế nguồn lực.

"Trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam quá đề cao vai trò tập thể, coi nhẹ trách nhiệm cá nhân chủ sở hữu. Quản lý tài sản nhà nước không gắn với trách nhiệm cá nhân là không quản nổi. Tập thể chịu trách nhiệm thì rất khó xử lý", TS Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng, chính việc chịu trách nhiệm tập thể đã che mờ đi trách nhiệm của cá nhân của chủ sở hữu nên rất khó giám sát tài sản nhà nước thất thoát.

"Tại sao nhiều Tập đoàn, Tổng công ty vi phạm quy định công khai thông tin mà không ai chịu trách nhiệm cả?", ông Thiên nói.

Ông Thiên đề xuất: Thiết kế hệ thống chính sách quản lý DNNN phải nâng cao tính chịu trách nhiệm cá nhân, điều này mang tính chất quyết định đối với tài sản nhà nước được giao và vận hành.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Sau 30 năm cải cách rồi mà trong tư tưởng nhiều người quản lý vẫn nói nền kinh tế đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Đây là cách nói để biện minh cho sự trì trệ về tư duy và hành động. Mãi chuyển đổi thì biết khi nào xong?

Nguyễn Tuyền

Gắn trách nhiệm Bộ trưởng mới quản nổi tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp? - 2