Gần 300 triệu lao động tại Trung Quốc thất nghiệp trong “cơn bão kép”
(Dân trí) - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với sức ép từ cuộc thương chiến với Mỹ khiến hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Điều này đã kéo theo 290 triệu lao động nước này thất nghiệp.
Sau hơn 25 năm gắn bó, mới đây, Rao Dequn – bà mẹ 43 tuổi với 2 con nhỏ – nhận được thông báo công ty sản xuất giày mà cô làm việc suốt 10 năm qua sẽ đóng cửa sau 5 tuần nữa.
Rao chỉ là một ví dụ cho hơn 290 triệu lao động từ nông thôn lên các tỉnh thành lớn tìm kiếm việc làm đang phải vật lộn để thoát khỏi cảnh thất nghiệp hậu dịch Covid-19.
“Rất khó tìm việc làm khác tại các nhà máy lân cận vì nhiều nơi gần đây cũng phải đóng cửa hoặc sa thải công nhân”, chị Rao chia sẻ.
Vốn thu nhập đã ít ỏi để có thể duy trì mức sống thành thị, nay phần đông người lao động nhập cư ở Trung Quốc đang phải đối mặt với cơn bão mất việc và loay hoay với lựa chọn đi hay ở.
Chị Rao và chồng sống trong một căn phòng thuê 9m2 với giá thuê 250 NDT/tháng (835.000 đồng). Cuộc sống của đôi vợ chồng xoay quanh nhà tắm chật chội, một chiếc giường tầng, quạt điện, một chiếc bàn gấp dùng để làm bàn ăn và ghế nhựa. Chồng chị, anh Liu Liang, cũng là lao động nhập cư ở một nhà máy nội thất gần đó, tuy nhiên, mấy tháng qua, anh Liu chỉ đi làm “bữa đực bữa cái”.
“Chúng tôi có lẽ phải bỏ về quê sống vì công việc bây giờ rất không ổn định”, anh Liu nói.
Trung Quốc hiện nay đang mất đi nguồn nhân công giá rẻ dồi dào, đẩy chi phí sản xuất lên cao. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã khiến cho những đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc được đặt trước đó bị hủy bỏ.
Chính quyền các địa phương đã dần loại bỏ những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như gia công, hy vọng rằng những ngành công nghiệp khác có giá trị cao hơn có thể đẩy vị thế của đất nước lên một tầm cao mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đang đánh giá thấp tầm quan trọng của các khu công nghiệp gia công để cân bằng việc trợ giúp việc làm và ổn định cuộc sống cho tầng lớp lao động phổ thông và người nhập cư.
Zhao Jian- chuyên viên từ Viện nghiên cứu tài chính Atlantis, nhận định phương án “lưu thông kép” của Trung Quốc - không đóng cửa với thế giới nhưng đặt trọng tâm vào nền kinh tế nội địa, có thể dẫn đến tình trạng bất ổn việc làm và đe dọa an ninh kinh tế. Rất nhiều người đã tiêu cạn tiền tiết kiệm trong những tháng dịch bệnh bùng phát và sức mua bị hạn chế.
“Kinh tế Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Sản xuất hàng xuất khẩu rất quan trọng trong giải quyết việc làm cho Trung Quốc”, ông Zhao Jian nhận định.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành xuất khẩu đóng góp khoảng 180 triệu việc làm ở quốc gia này, chiếm 33% tổng số 530 triệu việc làm phi nông nghiệp của Trung Quốc.
“Dù Trung Quốc đã giảm phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế, các công xưởng gia công vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bố trí việc làm cho người lao động”, ông Zhao Jian cho biết.
Nguy cơ thất nghiệp đang đè nặng lên vai hàng triệu lao động ở Trung Quốc, đặc biệt là hơn 290 triệu lao động nhập cư từ quê lên thành phố kiếm sống.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm nhẹ từ 5,9% vào tháng 5 xuống còn 5,7% hồi cuối tháng 6. Song, bài toán về việc làm vẫn làm “đau đầu” các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.