Gà nhuộm màu, thịt có chất cấm sắp hết cửa "đầu độc" dân?
(Dân trí) - Không chỉ sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để làm chất tăng trọng, tạo nạc, mà gần đây chất nhuộm vải còn được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu cho gà thịt. Vấn nạn này càng khiến cho ngành chăn nuôi khó đương đầu khi hội nhập TPP.
Hóa chất nhuộm vải dùng để tạo màu thịt gà
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 06/10, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng thanh tra Bộ này cho biết: Sau khi nhận được đơn tố giác, Thanh tra Bộ, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường tiến hành thanh tra đột xuất và lấy mẫu kiểm tra, phát hiện thêm một chất mới trong thức ăn chăn nuôi là chất Vàng - ô (VAT Yellow).
Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng - ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt.
Theo kiểm nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Chăn nuôi Việt Nam thì chất này có gây tồn dư và gây ung thư đối với người dùng.
"Chất vàng ô (VAT Yellow) được sử dụng phổ biến trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng, và không được dùng trong thực phẩm, có khả năng gây ung thư ở người đã được các cơ quan chức năng phát hiện đưa vào tạo mầu cho thức ăn chăn nuôi gà", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Được biết, tình trạng người chăn nuôi sử dụng chất Vàng-ô này đã từng bị phát hiện năm 2013 tại Hải Phòng. Hiện tên của cơ sở sử dụng chất Vàng-ô mới phát hiện chưa được Bộ NN&PTNT công bố do đang trong quá trình điều tra.
Tràn lan chất cấm trong chăn nuôi
Ngoài trường hợp trên, thời gian gần đây, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện hàng chục trường hợp hộ chăn nuôi có sử dụng chất tạo nạc có nguy cơ gây ung thư.
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ NN&PTNT, ông Phạm Tiến Dũng cho biết: Sau khi có phản ánh việc dùng phổ biến chất cấm trong chăn nuôi tại các địa phương phía Nam, một đoàn công tác đặc biệt đã đến từng tỉnh xem xét. Đoàn phát hiện tại TP HCM có 31 mẫu dương tính với chất salbutamol (chất tạo nạo) trong 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, hàm lượng 80-130ppb trong khi quy định cho phép tồn dư là 20 ppb.
Tại tỉnh Đồng Nai, Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn và phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Salbutamol và Chi cục đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có 2 huyện phải cưỡng chế thi hành do ý thức của người chăn nuôi không cao.
Thanh tra liên ngành phối hợp với thanh tra tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra 38 mẫu nước tiểu và phát hiện 25 mẫu dương tính với Salbutamol. Kiểm tra 16 mẫu nước tiểu và 4 mẫu thức ăn bổ sung ở Bến Tre thì phát hiện 4 mẫu dương tính. Ở Tây Ninh cũng phát hiện 2 mẫu dương tính với Salbutamol.
Ngoài ra, tại Chi cục Thú y Vĩnh Long vừa qua cũng phát hiện 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chất cấm Salbutamol với hàm lượng rất cao, tới 3.160 ppb, so với mức cho phép là 50 ppb.
Chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là các chất tạo nạo và kích thích tăng trưởng như Clenbuterol và Salbutamol. Đây là các chất tồn dư, gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ gây ung thư. Mặc dù bị cấm nhưng một số người chăn nuôi vẫn lén lút trộn vào thức ăn nhằm thúc heo, bò nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận.
Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị không sử dụng 2 chất này trong chăn nuôi từ lâu. Các nhà khoa học cảnh báo, lượng chất này tồn đọng trong thịt gia súc sẽ gây những nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tim và phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, run cơ, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và thậm chí có thể tử vong.
Bao giờ cấm hết chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi?
Ngoài vấn đế chất cấm trong chăn nuôi thì người tiêu dùng Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi vì đã từ lâu chất kháng sinh được trộn vào trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: Hiện nay ở Việt Nam có tới 28 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, và có nhiều kháng sinh khác không cấm thì đồng nghĩa với việc được phép sử dụng; chính điều này làm nguy cơ mất ATTP rất cao.
Tuy nhiên, việc bỏ sử dụng kháng sinh cần có lộ trình vì số nước trên thế giới cũng cho phép dùng kháng sinh trong chăn nuôi như Trung Quốc có 24 sản phẩm và Mỹ 49 sản phẩm. Mỹ dự kiến đến năm 2018 mới bỏ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình.
Chưa tính đến hội nhập TPP, chăn nuôi Việt thua ngay trên sân nhà
Vòng đàm phán TPP cuối cùng vừa được hoàn tất mở ra một sân chơi mới cho Việt Nam. Theo nhận định của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi Việt Nam tham gia TPP bởi đầu vào của ngành này hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh về quy mô không có khi phần đông người chăn nuôi nhỏ lẻ. Thị trường tiêu dùng đã và đang bị nhiều sản phẩm của nước ngoài xâm lấn và chi phối với mức giá cả rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn.
Trong khi đó, vấn nạn chất cấm tràn lan trong chăn nuôi càng khiến cho ngành này khó đương đầu khi hội nhập.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 06/10, ông Nguyên Xuân Dương nhận định: “Nếu vấn đề an toàn thực phẩm không được cải thiện thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ thua trên sân nhà chứ chưa cần bàn đến việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).”
Ông cũng nhấn mạnh rằng: Để ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại, quan trọng nhất chúng ta phải vận động, tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa giám sát, xã hội hóa tố giác. Bởi chỉ có người chăn nuôi và người tiêu dùng nhận biết những cơ sở chăn nuôi làm ăn bất chính sử dụng chất cấm, từ đó tố giác và tẩy chay những sản phẩm này. Không thể để những đối tượng kinh doanh bất chính làm trục lợi trên lưng những người làm ăn chân chính.
Để hỗ trợ việc phát hiện các sản phẩm mất an toàn thực phẩm, gần đây Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các nhà khoa học cho ra sản phẩm que thử chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi heo. Người dùng chỉ cần nhỏ nước tiểu vào que, trong vòng 5 phút, nếu vẫn giữ nguyên chữ T thì lợn đó sử dụng chất cấm, còn nếu chữ T biến mất thì lợn đó không có chất cấm.
Nguyên An