Formosa xin tăng vốn 340 triệu USD: Bao nhiêu cho môi trường?
Với Formosa, tổng vốn đầu tư là 11 tỷ USD thì chi phí dành cho môi trường tối thiểu cũng lên tới hơn 1 tỷ USD.
Hàng tỷ USD cho môi trường vẫn chưa đủ
Trước thông tin Công ty Formosa (FSH) Hà Tĩnh xin đầu tư tăng thêm 346.290.000 USD để đầu từ vào đề án ưu hóa bảo vệ môi trường và cải thiện sản xuất, nâng tổng vốn đầu tư của dự án từ 10,6 tỷ USD lên hơn 11 tỷ USD.
Ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, xử lý sự cố môi trường do Formosa không đơn giản cứ chạy theo để khắc phục. Muốn xử lý dứt điểm các nguy cơ có khả năng xâm hại môi trường các cơ quan quản lý Việt Nam phải nắm rõ tất cả các thông số liên quan tới nhà máy này. Bao gồm từ quy mô xây dựng của nhà máy, các thiết kế đường ống xả thải đi theo toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy. Từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào là xử lý quặng, luyện phôi cho tới quá trình tạo ra được sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ là thép.
Ông Đáp nói rõ, quá trình sản xuất thép của Formosa là một chu trình khép kín, qua mỗi công đoạn sản xuất sẽ có một khối lượng rất lớn các chất lọc, thải được đẩy ra. Tức là, ở mỗi công đoạn sản xuất sẽ phải được thiết kế một hạng mục xử lý chất thải được thiết kế nằm trong tổng thể các hạng mục bảo vệ môi trường chung của nhà máy này.
Đặc biệt, vấn đề quan trọng hơn là phải biết được Formosa đang sử dụng thiết bị của nước nào, công nghệ của nước nào, là công nghệ hiện đại hay công nghệ lạc hậu... khi đó mới khẳng định được phương án xử lý thế nào là phù hợp, chi phí dành cho bảo vệ môi trường bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là vừa.
Vì nếu sử dụng công nghệ lạc hậu, sẽ gây tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hơn, chi phí cho bảo vệ môi trường lớn hơn. Tuy nhiên, cơ hội nắm giữ được các thông số, giữ liệu trên là rất khó.
Ở Việt Nam, trong quá trình phê duyệt đầu tư dự án, các hạng mục xử lý chất thải cũng như công nghệ bảo vệ môi trường thông thường sẽ được giao cho chủ đầu tư tự thiết kế thông qua sự thẩm định của Hội đồng thẩm định dự án.
Nhưng đứng trên phương diện của nhà đầu tư, tâm lý chung khi thực hiện dự án bao giờ họ cũng tính toán tiết kiệm tối đa những hạng mục không tạo ra sản phẩm, không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong đó, đầu tư cho bảo vệ môi trường thường bị các chủ đầu tư bỏ quên do quá tốn kém, trung bình chi phí để xây dựng một hệ thống bảo vệ môi trường đạt chuẩn phải chiếm từ 10-20% trên tổng vốn đầu tư của toàn dự án. Ví dụ, với dự án của Formosa có tổng vốn đầu tư là 11 tỷ USD thì chi phí dành cho môi trường ngay từ khâu hình thành dự án đã phải chiếm tới hơn 1 tỷ USD. Không bao gồm các khoản chi phí Formosa đã phải bỏ ra để khắc phục hậu quả do sự cố môi trường vừa qua.
"Không có nhà đầu tư nào vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận ném đi cả 1 tỷ USD. Ở các nền kinh tế phát triển, trình độ quản lý tốt họ sẽ có những chế tài buộc các nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết trong vấn đề bảo vệ môi trường. Còn ở Việt Nam năng lực quản lý nhà nước về thẩm định cũng như kiểm soát các tác động môi trường của các dự án còn nhiều yếu kém, bộc lộ nhiều lỗ hổng, là kẽ hở cho các chủ đầu tư lách luật, không quan tâm tới môi trường", ông Đáp nói.
Không vội mở rộng dự án thép
Trở lại câu chuyện Formosa xin đầu tư tăng thêm 340 triệu USD cho công tác bảo vệ môi trường và sản xuất, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, đó là thông tin tốt. Tuy nhiên, vấn đề vị chuyên gia quan tâm là số tiền đó sẽ được sử dụng thế nào và bao nhiêu phần trăm trong tổng số tiền đó sẽ thực sự được dành cho công tác bảo vệ môi trường?
"Tôi lấy ví dụ, trong gia đình hay trong cơ quan quản lý cũng vậy họ có thể báo cáo định mức chi tiêu trong một tháng là 3 triệu hay 5 triệu nhưng họ chi cho những việc gì thì chúng ta không thể biết được", ông Đáp nói.
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ là báo cáo rồi lấy cớ đầu tư cho bảo vệ môi trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ đó lại lấy lý do bảo vệ môi trường để có những hành động gian lận, nhập nhèm, trốn thuế.... thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ thông qua kết quả thực hiện những cam kết Formosa đã hứa. Bên cạnh đó, cũng phải thực hiện cơ chế giám sát trong suốt quá trình sản xuất của doanh nghiệp này.
Vì theo như vị chuyên gia đã nói, làm thép nếu trú trọng tới công tác bảo vệ môi trường thì sẽ không có lãi. Vì vậy, cách để doanh nghiệp có thể tồn tại được là cắt giảm phần chi phí dành cho bảo vệ môi trường, tức là lấy phần chi phí dành cho môi trường để bù đắp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian qua chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều dự án lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình xả thải, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường so với các yêu cầu pháp lý đặt ra ở Việt Nam.
Các hành vi vi phạm không chỉ đến từ các doanh nghiệp, mà còn đến từ việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Như ở trường hợp Formosa, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) nói rằng “đối với pháp luật Việt Nam, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép”. Trong khi thực tế đường ống ngầm của Formosa dẫn ra biển đã được Bộ TN&MT chấp thuận năm 2014 sau khi có ý kiến của các bộ.
Sự mâu thuẫn trên cho thấy, năng lực quản lý nhà nước về thẩm định cũng như kiểm soát các tác động môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Hoặc do trình độ yếu kém hoặc do lơ là, thiếu trách nhiệm, cũng có khi còn vì nhiều lý do khác nữa. Nhưng rõ ràng những lỗ hổng đó đã gây ra những hệ lụy vô cùng lớn. Nó không đơn giản chỉ là bồi thường 500 triệu USD là xong, cũng không đơn giản ở việc chỉ đạo xử lý vài ba người sẽ giải quyết được vấn đề. Ở đây còn là vấn đề liên quan tới ổn định đời sống của hàng chục vạn con người, là đảm bảo cho người dân được sống trong một môi trường sinh quyển an toàn..., mà xử lý được nó, VN có thể phải mất tới cả 100 năm nữa mới có thể khắc phục xong.
Cuối cùng, hậu quả chính là những người dân nghèo, người dân lao động phải gánh chịu.
"Đánh giá tác động môi trường không thể được phê duyệt qua loa. Đánh giá tác động môi trường phải được công khai, lấy ý kiến rộng rãi cả từ phía cơ quan chuyên và người dân khu vực đó. Chỉ khi có được sự đồng ý, thống nhất từ phía người dân báo cáo có đó mới được chấp nhận", ông Đáp cho biết.
Rút ra bài học từ Formosa, vị chuyên gia cảnh báo phải thận trọng xem xét, mở rộng thêm nhiều dự án thép.
"Bài học cay đắng từ Formosa đã thấy, khi chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm quản lý nhà nước về thẩm định cũng như kiểm soát các tác động môi trường thì không nên tính làm thêm dự án thép nữa. Như dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận Thủ tướng cũng chỉ đạo rồi, địa phương cần phải cân nhắc thận trọng. Hãy đợi khi chúng ta có đủ khả năng khi đó làm thép chưa muộn", ông Đáp nói.
Theo Lam Lam
Đất Việt