Forbes ca ngợi Việt Nam là câu chuyện kinh tế thành công ở châu Á

(Dân trí) - Trang Forbes, tạp chí danh tiếng của Mỹ, vừa đăng một bài viết ca ngợi kinh tế Việt Nam của tác giá Brett Davis. Minh chứng cho điều này là sự phát triển của nhiều tòa cao ốc và sự tăng nhanh về thu nhập bình quân đầu người.

Theo Brett Davis, các dấu hiệu phát triển kinh tế của Việt Nam được thể hiện bằng sự phát triển của các tòa nhà chọc trời, đặc biệt là ở TP HCM – thành phố đông dân nhất của cả nước.

Sự phát triển của các tòa cao ốc ở TP HCM phản ảnh sự thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)
Sự phát triển của các tòa cao ốc ở TP HCM phản ảnh sự thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)

Brett Davis cho rằng, thông thường người ta hay đánh giá bằng các chỉ số kinh tế ngắn hạn, tuy nhiên, đôi khi cần phải lùi lại quá khứ để có cái nhìn bao quát hơn – mà ở đây là vài thập kỷ.

Cách đây 30 năm, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, nhưng giờ đây Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Thành quả này chính là nhờ chính sách Đổi Mới được thực hiện từ năm 1986 – chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường.

Nhiều du khách đến Việt Nam, đặc biệt là từ những nước phương Tây, thường ngỡ ngàng trước các cao ốc văn phòng, các cửa hàng bán đồ cao cấp và các con phố tấp nập nơi đây. Những hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với ấn tượng về một Việt Nam chiến tranh tàn khốc và nghèo đói chiếu trên tivi khắp thế giới từ những năm 1960 và 1970.

Theo Brett Davis, nếu nói rằng đất nước Việt Nam đã thực sự chuyển mình thì vẫn chưa xứng tầm với thực tế phát triển. Vào năm 1986, thu nhập bình quân hàng năm của người dân Việt Nam chỉ là 100 USD. Hiện nay, con số này đã tăng lên gần 2.000 USD và thậm chí ở các thành phố lớn còn gấp đôi mức đó.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt 6,3%, tương đương mức tăng trưởng bình quân của những năm 2000. Sau nhiều năm đấu tranh với lạm phát gia tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chỉ tăng 0,6% trong tháng 8/2015, so với mức 4,3% cùng kỳ năm trước.

Việt Nam sắp thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà theo nhận định của các chuyên gia phân tích, hiệp định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 11% trong 10 năm tới. Việt Nam cũng đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Động lực cho sự tăng trưởng của quốc gia 94 triệu dân này chính là lực lượng dân số trẻ rất đông đảo và có tính kết nối cao. Theo số liệu thống kê năm 2014, hơn 40% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 25.

Internet cũng rất phát triển và phổ biến ở Việt Nam: mọi quán cà phê, nhà hàng, hay quán bar đều cung cấp wifi miễn phí cho khách và rất tiện ích cho việc truy cập internet bằng điện thoại di động. Khảo sát Người tiêu dùng Kết nối Toàn cầu năm 2014 do công ty nghiên cứu TNS thực hiện cho thấy, 40% dân số Việt Nam truy cập internet hàng ngày, và cứ 3 người thì có 1 người sử dụng tiện thoại di động thông minh (smartphone).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều bất cập gia tăng, trong đó có khoảng cách về thu nhập ngày càng lớn, tỷ lệ nghèo còn cao ở vùng dân tộc thiểu số, tham nhũng xảy ra ở tất cả các cấp quản lý. Trong khi đó, những quy định về kinh doanh, sở hữu trí tuệ và chống tham nhũng vẫn còn chồng chéo mặc dù đã có những cải thiện nhất định trong những năm gần đây.

Việt Nam đứng thứ 90 trong tổng số 189 quốc gia về Chỉ số Môi trường Kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Mặc dù còn nhiều thử thách, nhưng Brett Davis tin rằng vẫn còn nhiều điều để lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Khi so sánh với xuất phát điểm của kinh tế Việt Nam 30 năm trước, Việt Nam xứng đáng là một trong những câu chuyện thành công nhất ở khu vực châu Á.

Nguyên An