FLC "rút chân" khỏi GAB, tỷ phú Trịnh Văn Quyết thu 230 tỷ đồng “tiền tươi”

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường biến động căng thẳng thời gian qua thì với một thương vụ bán ra cổ phiếu, FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết rút chân khỏi GAB, thu về hơn 230 tỷ đồng “tiền tươi”.

FLC rút chân khỏi GAB, tỷ phú Trịnh Văn Quyết thu 230 tỷ đồng “tiền tươi” - 1

Chỉ số Vn-Index hồi phục nhưng số lượng mã giảm vẫn áp đảo trên quy mô toàn thị trường

Những tưởng thị trường sẽ gặp bất lợi lớn trong sáng nay sau khi nhận tin tức xấu từ quốc tế, song VN-Index giữ trạng thái giằng co, rung lắc và dao động quanh ngưỡng tham chiếu.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/10, ở thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 650,19 điểm, tương ứng 2,29%, xuống 27.685,38 điểm. S&P 500 giảm 64,42 điểm, tương ứng 1,86%, xuống 3.400,97 điểm. Nasdaq giảm 189,35 điểm, tương ứng 1,64%, xuống 11.358,94 điểm.

Tình trạng sụt mạnh của chứng khoán được cho là xuất phát từ tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước tình hình Mỹ, Nga và Pháp đều ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục. Số ca nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ lên đỉnh hai tháng.

Thị trường trong nước lại không hề hoảng loạn. Tạm đóng cửa phiên sáng nay (27/10), chỉ số chính của sàn HSX hồi phục 2,79 điểm tương ứng 0,29% lên 953,59 điểm. Mức tăng này nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhóm bluechips trong rổ VN30. Chỉ số VN30-Index ghi nhận tăng 4,62 điểm tương ứng 0,5% lên 924,18 điểm.

Tuy không bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng HNX-Index lại đang giảm 0,62 điểm tương ứng 0,45% còn 138,41 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 0,29 điểm tương ứng 0,45% còn 63,29 điểm.

Thanh khoản trên thị trường cải thiện đáng kể so với sáng hôm qua. Khối lượng giao dịch tại sàn HSX đạt 248,24 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 4.737,9 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 27,22 triệu cổ phiếu tương ứng 401,6 tỷ đồng và trên UPCoM là 8,08 triệu cổ phiếu tương ứng 110,33 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn còn 929 mã không hề có giao dịch nào. Bất lợi lớn nhất là số lượng mã giảm đang áp đảo với 453 mã, có 22 mã giảm sàn so với 220 mã tăng, 26 mã tăng trần.

Nhờ có sự đồng thuận của những mã hàng đầu, đặc biệt là cổ phiếu VIC của Vingroup nên VN-Index vẫn trụ được ở trạng thái tăng. Sáng nay, với mức tăng 1,3% lên 106.500 đồng, VIC tiếp tục đóng góp 1,34 điểm cho VN-Index, và cũng là mã có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số.

Bên cạnh đó, CTG, VCB, HPG, TCB, VPB, BID cũng tăng. Cụ thể, CTG tăng 1,8% lên 31.050 đồng; TCB tăng 1,7% lên 23.750 đồng; HPG tăng 1,6% lên 31.300 đồng; VCB tăng 0,6% lên 86.500 đồng; BID tăng 0,6% lên 41.250 đồng…

Ngược lại, một số cổ phiếu được mua vào trong thời gian qua lại bị “xả” khá mạnh và giảm. Có thể kể đến BVB giảm 3,1%; KBC giảm 2,4%; VIB giảm 2,1%, VCG giảm 1,7%; STB giảm 1,4%...

HPG và TCB vẫn đang là những mã được giao dịch mạnh nhất. Trên phương diện thanh khoản, các mã này vẫn dẫn trước thị trường về khối lượng khớp lệnh. Chỉ trong sáng nay, đã có 18,25 triệu cổ phiếu HPG được khớp và khối lượng khớp tại TCB là 18,12 triệu đơn vị.

FLC rút chân khỏi GAB, tỷ phú Trịnh Văn Quyết thu 230 tỷ đồng “tiền tươi” - 2

Ông Trịnh Văn Quyết

Cổ phiếu FLC liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết sáng nay biến động nhẹ, loanh quanh mức tham chiếu 4.150 đồng. Cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC nhích nhẹ 0,05% lên 189.400 đồng.

Một thông tin đáng chú ý liên quan đến hai doanh nghiệp này đó là việc FLC công bố đã bán ra 1,24 triệu cổ phiếu GAB trong thời gian từ 20-26/10, chính thức rút chân khỏi danh sách cổ đông lớn cũng như không còn nắm giữ cổ phiếu nào ở GAB.

Trong khoảng thời gian này, GAB biến động trong khoảng giá 185.300 đồng - 189.300 đồng. Tính ra, FLC có thể thu về ít nhất là 230 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 15-20/10, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC lại có động thái ngược lại khi chi hơn 100 tỷ đồng mua vào 583.800 cổ phiếu GAB, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 12,2% (khoảng 1,7 triệu cổ phiếu).

Kết thúc quý 3 vừa rồi, GAB có kết quả kinh doanh khá tích cực với doanh thu thuần đạt hơn 203 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi lại giảm mạnh tới 96% và chỉ đạt 233 triệu đồng trong quý 3 - mức thấp nhất kể từ năm 2018.

Tính chung 9 tháng của năm 2020, lãi sau thuế của GAB cũng chưa đến 1 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.

Trở lại với thị trường chứng khoán, MBS nhận định, thị trường điều chỉnh giảm sau hơn 6 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Chiều 26/10 cũng là phiên điều chỉnh rõ nét nhất kể từ đầu tháng 9 khi thị trường bước vào đợt tăng vừa qua.

Thanh khoản được đẩy lên mức cao và luôn có những ý kiến trái chiều giữa người bán và người mua. Dẫu vậy, theo chuyên gia MBS thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp. Theo đó, VN-Index có khả năng kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ở vùng 937 - 946 điểm.