Fitch nâng hạng tín nhiệm - Bước tiến tốt cho Việt Nam
(Dân trí) - Việt Nam đã được tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm từ "B+" lên "BB-" cho thấy sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước đã được cải thiện.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Một phần thưởng xứng đáng
Bản báo cáo Fitch đề cập lý do tích cực cho việc tăng hạng bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện, khu vực đối ngoại mạnh hơn và rủi ro còn tiềm ẩn nhưng quản lý được.
Trong bản báo cáo của mình, Fitch đã chỉ ra rằng: "Các chính sách điều hành vĩ mô của Việt nam đã dần chuyển sang các chính sách hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô".
Đồng tình với đánh giá này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong cuộc trả lời với nhóm phóng viên, đã đưa ra sự đối chiếu, so sánh xu hướng chính sách tiền tệ hiện nay với xu hướng những năm trước đây.
Lạm phát hiện nay giảm xuống đáng kể còn 1 con số sau mức lạm phát 25% trong giai đoạn 2010-2011. Việc tăng trưởng tín dụng "quá đà" khoảng 53% hàng năm giai đoạn 2000-2010 rất không "thực tế", và thật sự không "lành mạnh" với nền kinh tế như Việt Nam. Cho tới nay, mức độ tăng trưởng tín dụng đã phải dã giảm dần xuống mức "phải chăng hơn", khoảng 10% trong vòng 2 năm trở lại đây.
Bà Kwakwa cho rằng: "Đây thực sự là một bước tiến tốt đối với Việt Nam, một phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đạt được trong ổn định nền kinh tế vĩ mô, cũng là lý do chính cho việc nâng hạng"....
Ghi nhận những thành công vừa qua của Việt Nam, ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng Citybank tại Việt Nam cũng bày tỏ: "Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong tất cả mọi mặt của nền kinh tế, trong đó NHNN đã xây dựng một lộ trình rõ ràng để cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng", "số dư tiền gửi đang tăng lên, cho thấy người dân tiếp tục tin tưởng vào hệ thống ngân hàng".
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh rằng: "Việc Fitch nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam thể hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính Phủ trong thời gian qua là đúng hướng, nâng cao vị thế của Việt Nam".
NĐT nước ngoài đã thấy cơ hội kiếm lời
Ông Hussey nhận xét "việc nâng hạng rất tích cực, nhất là vào thời điểm mà Chính phủ Việt Nam chuẩn bị buổi giới thiệu lưu động phát hành trái phiếu quốc tế có thời hạn 10 năm bằng USD, "các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy ở Việt Nam cơ hội để đa dạng hoá đầu tư và cơ hội kiếm lời"...
Thực tế cũng cho thấy lượng cấu lớn gấp 10 lần lượng cung trong đợt chào bán tính đến ngày 7/11 (theo Finance Asia). Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định đợt chào bán này có sức hấp dẫn lớn với các NĐT nước ngoài bởi những lý do chính sau: mức lãi suất thấp, sự cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô và nợ mới của Việt Nam là hiếm.
Bên cạnh cơ hội là... thách thức
Bên cạnh việc ghi nhận những tín hiệu tích cực trong điều hành chính sách vĩ mô của Việt Nam, báo cáo Fitch cũng chỉ ra một vài mặt hạn chế của kinh tế Việt Nam như việc nợ công đang tăng lên, cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa thuyết phục, thu nhập trung bình của Việt Nam còn thấp.
Theo báo cáo của 2 tổ chức Fitch Rating và Standard & Poor, "họ đều mong muốn sẽ được nhìn kinh tế tiếp tục tăng trưởng GDP mức 5.5%, sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát giữ vững mức ổn định, nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh nhanh chóng trong thời gian tới", ông Hussey nhận xét.
Ông Hussey và bà Kwakwa cùng nhận định thách thức lớn nhất cho việc xem xét tăng hạn mức tín nhiệm hiện nay chính là vấn đề giải quyết nợ tiềm ẩn và cách thức chi tiêu ngân sách. Tổ chức Fitch đang dõi theo hướng xử lý nợ xấu của Việt nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, "tôi biết đây là những chủ đề nóng đang được tranh luận rất gay gắt, bản thân NHNN cũng đang nỗ lực nhằm tái cấu trúc hệ thống; nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi con đường này, làm một cách quyết liệt thì sẽ có nhiều triển vọng trong việc tiếp tục được thăng hạng", ông Hussey nêu thêm. Bà Kwakwa cũng đồng tình bày tỏ: "Không cái gì là hoàn hảo" và quan trọng "chúng ta cần quyết liệt hơn trong giải quyết các khó khăn"...