TS Cấn Văn Lực:
Fintech đang dần thoái trào tại Việt Nam, nhiều nhân sự muốn "nhảy" ngành
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng fintech tại Việt Nam đang đối mặt với giai đoạn thoái trào. Các công ty fintech cần sớm kiến nghị cơ chế thử nghiệm (sandbox) để triển khai các mô hình mới hiệu quả hơn.
Sáng 13/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024 tại TPHCM. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng thương mại, công ty fintech (công nghệ tài chính).
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là xu hướng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ. Các ngân hàng đã nắm bắt, áp dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, AI, big data và sinh trắc học để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Ở phương diện các công ty fintech, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết năm 2022 cho thấy, trên thị trường hiện nay vẫn có hơn 176 công ty fintech như thời điểm trước đại dịch, trong đó khoảng 50 công ty làm về thanh toán.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV đưa ra nhận định rằng, fintech tại Việt Nam đang thoái trào và nhiều người làm lĩnh vực công nghệ tài chính này thời gian qua chuyển sang làm việc ở các ngân hàng thương mại.
Ông Lực cho rằng, các fintech cần xây dựng hệ sinh thái "sạch sẽ" và tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cho thí điểm có thử nghiệm (sandbox) các mô hình mới từ đó thu hút người dùng vào sử dụng an toàn bảo mật.
Ngoài ra, Nhà nước nên sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhân rộng mô hình tương tự cho fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm.
Song song với việc xây dựng chính sách chia sẻ dữ liệu người dùng thì việc cho phép thu phí sử dụng dữ liệu để dữ liệu trở thành tài sản trong giao dịch kinh doanh sẽ khuyến khích phát triển tài chính công nghệ.
Nhận định về ngành ngân hàng, ông Lực cho rằng năm 2024 là năm đánh dấu một bước tiến mới trong thanh toán quốc tế khi các ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên cho phép khách hàng sử dụng mã QR để giao dịch tại Lào, Campuchia và Thái Lan, thay thế phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt và thẻ.
Điều này có nghĩa rằng, người Việt Nam có thể dễ dàng thanh toán bằng ví điện tử tại các quốc gia nêu trên chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, loại bỏ sự cần thiết mang theo tiền mặt hoặc thẻ.
Theo ông Lực, hiện các ngân hàng Việt đi rất nhanh trong quá trình chuyển đổi số. Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang tích cực đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ không chỉ giúp tiết giảm chi phí và thời gian mà còn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ số mới mẻ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong kỷ nguyên số.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, cho vay trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng đến 49%, một phần bởi xuất phát điểm thấp do mới được luật hóa. Mặc dù, môi trường chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam, nhưng khung pháp lý trong phát triển ngân hàng số còn chưa đồng bộ, hướng dẫn về dịch vụ cloud (đám mây) trong ngành ngân hàng chưa có.