Chuyên gia: Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngân hàng có ngăn sở hữu chéo?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ sở hữu, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.
Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông cá nhân và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Đề xuất rút giấy phép hoạt động ngân hàng vi phạm quy định nhiều lần
Tại hội thảo "Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam" do Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức ngày 5/12, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu ngân hàng của pháp nhân được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, do nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
Việt Nam thì ngược lại khi tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ đặc thù của văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, các cá nhân có quyền lực lớn trong doanh nghiệp.
Theo ông, các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ. Song điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Ông đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt, đơn cử nếu ngân hàng vi phạm quy định tới 3 lần thì rút giấy phép hoạt động.
PGS Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cho rằng các công cụ quản lý tài chính của Mỹ đang thực thi tốt, nhưng công cụ quản lý tài chính luôn biến đổi bởi thị trường luôn đi trước cơ quan quản lý. "Mỹ cũng gây ra những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không có cơ chế quản lý nào là hoàn hảo", ông Hùng nói.
Theo ông, nếu chính sách không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không thực hiện được, họ sẽ có đối sách để "lách". Ông nêu, chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật các tổ chức tín dụng lần này, đặc biệt là về việc sở hữu chéo.
Tuy nhiên, ông cho rằng nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thì chưa đủ mà cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm. Theo ông, cần nâng cao vai trò của hội đồng quản trị, trong đó có vai trò của các thành viên độc lập.
Xử lý cổ đông sở hữu vượt trần ngân hàng thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, lưu ý, việc các lãnh đạo các tập đoàn tài chính thường nhờ người thân hoặc nhân viên trong tập đoàn đứng tên thay tại công ty sân sau để tránh quy định về vượt trần tỷ lệ sở hữu.
"Có trường hợp nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định. Điều đó dẫn tới hệ lụy pháp lý rất lớn", ông Hà nêu. Ông khuyến nghị những nhân viên này cần suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra, vì hậu quả sẽ rất lớn.
Với câu hỏi về quy định mức trần sở hữu còn 10% với tổ chức, 15% với cá nhân và người có liên quan có giải quyết được vấn đề sở hữu chéo, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lo ngại trong thực tế, việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung còn thấp.
Ông Nghĩa cho rằng Luật Tổ chức tín dụng mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến một năm. Đồng thời, ông cho rằng cơ quan quản lý không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ sở hữu, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.