1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, phát đi một tín hiệu quan trọng

Phương Liên

(Dân trí) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 trong hơn một năm qua, đồng thời phát tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ này sắp kết thúc.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên 5%-5,25%. Lãi suất này được các ngân hàng áp dụng cho hoạt động cho vay qua đêm nhưng cũng sẽ tác động tới các sản phẩm cho vay khác như cho vay thế chấp, cho vay mua xe hơi và thẻ tín dụng. Mức tăng nói trên (0,25%) cũng là con số được thị trường dự đoán trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, thị trường quan tâm nhiều hơn tới lộ trình tiếp theo của Fed, đặc biệt trong bối cảnh mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm và cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đang kéo dài bao trùm Phố Wall.

Thông báo lần này, Fed đã bỏ đi một nội dung là "Ủy ban dự đoán rằng việc bổ sung một số chính sách có thể là phù hợp để Fed đạt được mục tiêu lạm phát 2%".

Thay vào đó, Cục này nhấn mạnh các điều kiện để "triển khai thắt chặt chính sách bổ sung". Cụ thể, Fed sẽ xét đến tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, độ trễ của chính sách tiền tệ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như sự phát triển về kinh tế và tài chính.

Trong cuộc họp báo sau khi đưa ra quyết định chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng đây là "sự thay đổi lớn", cho thấy rằng Cục này không còn kỳ vọng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mà phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và điều kiện tài chính.

Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, phát đi một tín hiệu quan trọng - 1

Lãi suất liên bang đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2006 (Ảnh: CNBC).

Thị trường lao động Mỹ đã được cải thiện kể từ đợt tăng lãi suất đầu tiên được thực hiện vào tháng 3/2022. Đồng thời, lạm phát vẫn ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Nhiều chuyên gia cho biết lãi suất có thể cần phải duy trì ở mức cao ngay cả khi Fed ngừng nâng.

Ngoài lạm phát, Fed cũng phải đối diện với những bất ổn của ngành ngân hàng khi 3 ngân hàng khu vực sụp đổ. Dù các chuyên gia khẳng định cả ngành vẫn ở trạng thái ổn định, nhưng các điều kiện tín dụng có thể bị siết chặt và quy định có thể nghiêm ngặt hơn trong thời gian tới. Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến đà tăng trưởng kinh tế khi GDP Mỹ chỉ tăng 1,1% trong quý I năm nay. 

Bất chấp sự sụp đổ của First Republic Bank, Chủ tịch Fed Powell cho rằng các biến động trong ngành ngân hàng không quá đáng ngại. Ông nhận định: "Tình hình đã cải thiện và ngân hàng đã quan tâm đến vấn đề thanh khoản". Nói về thương vụ JP Morgan mua First Republic, Powell cho rằng "đây là việc tốt với hệ thống ngân hàng".

Chứng khoán Mỹ ban đầu tăng sau khi Fed đưa ra thông báo, nhưng đến cuối ngày đã giảm và đóng cửa ở mức thấp hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh, còn đồng đôla Mỹ yếu hơn so với các ngoại tệ mạnh.

Theo CNBC