FED bơm 600 tỷ USD, lợi hay hại?
Nhiều nhà quan sát lo ngại, kế hoạch bơm 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đem đến những hậu quả xấu nhiều hơn là kết quả tốt.
Quyết định bơm tiền mới được FED đưa ra vào ngày 3/11, sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài được thị trường trông đợi. Đây là chương trình nới lỏng định lượng thứ hai của FED, mà báo chí thường gọi tắt là QE2, sau chương trình đầu tiên được cơ quan này tung ra hồi cuối năm 2008.
Chương trình này là một nỗ lực to lớn nữa của FED với mục đích làm giảm chi phí vay vốn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ vốn vẫn đang chật vật đương đầu với những hậu quả của trận suy thoái kinh tế sâu vừa qua.
Theo kế hoạch, mỗi tháng, FED sẽ mua vào khoảng 75 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ có kỳ hạn dài, chủ yếu là các kỳ hạn 2-10 năm, trong thời gian từ nay tới hết tháng 6/2011. Quy mô của các đợt gom mua có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ phục hồi của nền kinh tế.
"Kinh tế Mỹ đang ngày càng lún vào sự trì trệ. FED đã có hướng đi đúng đắn khi tìm cách thúc đẩy tốc độ tăng trưởng”, Reuters dẫn lời ông Brian Bethune, một chuyên gia kinh tế thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight.
Tuy nhiên, giới phê bình cả bên trong và bên ngoài FED thì lo ngại rằng, chính sách này sẽ dẫn tới lạm phát cao. Bên cạnh đó, mức lãi suất thấp của nước Mỹ, cộng thêm một lượng tiền lớn được bơm ra, cũng có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản ở các quốc gia khác và gây bất ổn định về tỷ giá.
Mặc dù vậy, với nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ 2% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ thất nghiệp “mắc kẹt” ở 9,6%, FED chịu áp lực phải hành động để kích thích các hoạt động trong nền kinh tế diễn ra mạnh hơn.
Trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách của FED mô tả nền kinh tế đang giữ tốc độ tăng trưởng chậm chạp, đồng thời nhận định giới chủ sử dụng lao động vẫn chần chừ trong vấn đề tạo công ăn việc làm. Trong khi đó, FED cũng cho rằng, lạm phát tại Mỹ đang ở mức thấp.
“Tiến trình hướng tới các mục tiêu đang diễn ra chậm chạp tới mức đáng thất vọng”, FED nhận xét. Những mục tiêu mà FED nhắc tới chính là hai nhiệm vụ song song của ngân hàng trung ương này, bao gồm duy trì ổn định giá cả và thúc đẩy công tác tạo việc làm bền vững.
Tuy vậy, những mục tiêu trong nước của FED có vẻ như sẽ gây ra những rắc rối cho các quốc gia khác. Viễn cảnh về mức lợi tức siêu thấp ở thị trường Mỹ đã thúc đẩy giới đầu tư tìm đến với những thị trường mới nổi có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn, theo đó làm gia tăng tỷ giá đồng tiền của các quốc gia này, kéo theo mối lo mất sức cạnh tranh của lĩnh vực xuất khẩu tại đây.
"Tất cả chúng ta đang hứng chịu một cuộc tấn công do chính sách tiền tệ lỏng lẻo của nước Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Columbia, ông Juan Carlos Echeverry phát biểu hôm 2/11.
Với 14,8 triệu người Mỹ thất nghiệp, các nhà máy ở nước này hoạt động dưới công suất, và tỷ lệ lạm phát thấp hơn ngưỡng mà FED mong muốn, một số quan chức của FED lo ngại những rủi ro về một vòng xoáy giảm phát, trong đó người tiêu dùng lưỡng lự chi tiêu, khiến tăng trưởng càng thêm phần uể oải.
Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post hôm 3/11, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết, các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngồi không trong bối cảnh kinh tế u ám như hiện nay. Ông lập luận rằng, những mối lo ngại cho rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá mức sẽ gây lạm phát cao trong tương lai đang bị thổi phồng.
"Lạm phát quá thấp có thể gây rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt là khi nền kinh tế đang tăng trưởng chật vật. Trong trường hợp cực đoan nhất, lạm phát quá thấp có thể dẫn tới giảm phát, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài”, ông Bernanke viết.
Quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần này của FED nhỉnh hơn mức 500 tỷ USD mà nhiều nhà phân tích dự báo ban đầu, tuy nhiên, do thời hạn kéo dài hơn, nên khối lượng trái phiếu được mua vào mỗi tháng lại thấp hơn mức 100 tỷ USD như thị trường kỳ vọng trước đó.
Mặc dù nhiều người nghi ngờ về khả năng của chương trình bơm tiền này trong việc kích thích kinh tế Mỹ, thị trường vẫn tin rằng, đây có thể là một động thái cho thấy FED sẵn sàng hành động nhiều hơn nếu sự phục hồi còn diễn ra chậm chạp.
“FED vẫn nghiêng về hướng nới lỏng chính sách và để mở chương trình này”, ông Ward McCarthy, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Jerfferies ở New York, phát biểu với Reuters.
Vào cuối năm 2008, khi khủng hoảng tài chính đang ở thời điểm căng thẳng nhất, FED đã hạ lãi suất USD về 0-0,25%, đồng thời chi khoảng 1.700 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu nợ địa ốc theo chương trình nới lỏng định lượng thứ nhất.
Tuy nhiên, đợt mua tài sản đó diễn ra khi thị trường tài chính đang trong trạng thái tê liệt nên tác dụng kích thích thị trường và nền kinh tế có thể sẽ mạnh hơn. Còn đối với chương trình mới mà FED vừa công bố, các chuyên gia kinh tế và quan chức của FED vẫn còn bất đồng về mức độ hiệu quả.
Trên thực tế, Chủ tịch FED tại Kansas, ông Thomas Hoenig và một số quan chức khác trong FED đã lo ngại việc mua trái phiếu sẽ hại nhiều hơn lợi, vì có thể châm ngòi cho lạm phát bùng nổ một khi nền kinh tế lấy lại đà phục hồi mạnh. Ông Hoenig đã bỏ phiếu chống quyết định bơm tiền lần này của FED.
Thêm vào đó, chính sách nới lỏng định lượng của FED có thể tác động bất lợi tới tính thanh khoản của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn là thị trường nợ công lớn nhất thế giới nơi giới đầu tư vẫn thường tìm kiếm sự an toàn mỗi khi xảy ra căng thẳng trên thị trường tài chính.
Hiện FED đã sở hữu khoảng 12,5% tổng số trái phiếu kho bạc Mỹ đang lưu hành. Nếu FED mua thêm 1 tỷ USD trái phiếu nữa như dự báo của một số chuyên gia, thì tỷ lệ này sẽ lên tới 27%. Mới đây, một nhóm chuyên gia về thị trường trái phiếu cố vấn cho Bộ Tài chính Mỹ đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung trái phiếu có thể dẫn tới những xáo trộn trên thị trường này.