(Dân trí) - 5 câu chuyện của 5 người sống ở Việt Nam, Mỹ, làm những công việc khác nhau nhưng giữa họ lại có điểm kết nối chung, với một nền tảng hướng đến giúp đỡ các F0 tự cách ly.
Với 5 cuộc trò chuyện ngắn qua video, chúng tôi nghe được 5 câu chuyện của 5 nhân vật. Người sống ở Việt Nam, người sống ở Mỹ. Người là dược sĩ, bác sĩ, người là kỹ sư công nghệ thông tin, founder start up… Song giữa họ có một điểm kết nối chung…
Em gái dược sĩ Nguyễn Thế Sơn sống cùng mẹ anh tại TPHCM. Em gái anh không may trở thành F0 phải đi cách ly. Mẹ anh ho cả tuần. Một ngày, người em rể đo nồng độ oxy trong máu của bà, thấy xuống thấp, gọi cho anh. Bà thành F0. Anh Sơn cũng thành F0 khi đưa mẹ vào khu cấp cứu của bệnh viện… Hai mẹ con anh được đưa đi cách ly ngay trong đêm có kết quả xét nghiệm dương tính. Câu chuyện trở thành F0 của vị dược sĩ chuyên khoa cấp 1 có 24 năm công tác khắp các bệnh viện ở TPHCM diễn ra như vậy.
Những ngày ở khu cách ly, điều gây ám ảnh nhất với một F0 giống như anh Sơn là những cơn ho. "Ho từ lồng ngực, ho như xé phổi. Mỗi lần khoảng 10 phút, có khi là 20-30 phút. Ho đến nỗi co rúm người lại mà ho, các cơ hô hấp gần như co giật lên hết. Ác cái là càng làm những động tác mà cơ thể đòi hỏi oxy thì lại càng kích ứng cơn ho: trở mình lấy ly nước cũng ho, xoay người cũng ho… Phổi rất nhạy cảm. Đến nỗi tôi sợ ho khủng khiếp vì cứ ho là mồ hôi túa ra như tắm", anh Sơn kể.
Hoạt động trong ngành y, anh Sơn nói ý thức được virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào. Nhưng khi vào cách ly, anh mới thấy được hết. "Tôi nhìn có những người trẻ nằm ở khu hồi sức cấp cứu là F0 mà giật mình luôn. Mãi sau này mới biết, chủng virus Delta có thể "đánh" cả vào người trẻ, cực kinh hoàng", anh nhớ lại.
Bác sĩ Phùng Cao Cường là Phó khoa Phụ trách Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 199 Bộ Công an. Mỗi tuần, cùng với các đồng nghiệp, anh được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 một lần. Một ngày nọ, bệnh viện phát hiện ca dương tính. Anh Cường thành F1, được cách ly ngay tại bệnh viện.
Đang là bác sĩ, tự nhiên trở thành F1 phải cách ly, anh nói tâm lý bị ảnh hưởng, rất là bức bối. Trong khi bạn bè đồng nghiệp đang hàng ngày phải gồng mình lên làm việc thì anh lại trở thành đối tượng bị cách ly trong 4 bức tường, không thể tưởng tượng được, và theo anh thì "không thể chịu được".
Nỗi sợ của anh khi trở thành F1 không phải là lo cho sức khỏe bản thân. Mà nỗi sợ lớn hơn là sợ trở thành đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cho những bệnh nhân do anh trực tiếp điều trị, đồng nghiệp, người thân.
Sau những áp lực tâm lý ban đầu, anh cũng dần lấy lại bình tĩnh. Xác định cách ly tốt cũng là một cách chống dịch, bảo vệ người khác, anh dần bình tâm, yên tâm cách ly trong bệnh viện.
Thăng Lê là trưởng bộ phận xử lý và quản lý dữ liệu của một công ty dầu khí ở Texas, Mỹ. Những ngày này, tình hình dịch Covid-19 ở Mỹ cũng đã bớt căng thẳng so với trước. Công việc trong một ngày của anh cũng không có quá nhiều thay đổi hay biến động.
Tuy thế, có một sự thay đổi lớn với Thăng Lê. Đó là việc bên cạnh công việc thường nhật liên quan đến xử lý, quản lý dữ liệu cho công ty dầu khí của mình, cách đây khoảng nửa tháng, anh có dịp trải nghiệm việc "code ngày code đêm, code xuyên lục địa" với bạn bè khắp nơi trên thế giới, trong một dự án. Điều này với anh, thực sự là niềm vui.
Nguyễn Phương Thủy cũng đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Ngoài công việc chính tại một doanh nghiệp ở Mỹ, Thủy còn là Giám đốc điều hành của Steam For Vietnam, một dự án phi lợi nhuận đào tạo lập trình cho các thiếu niên Việt Nam.
Thủy kể, những ngày này, nhìn tình hình dịch bệnh ở TPHCM, cô cảm thấy xót ruột. Chứng kiến cả thành phố phải đương đầu với đại dịch, nhiều người thực sự lâm vào hoàn cảnh khó, từ nửa vòng trái đất, cô cũng mong có thể giúp đỡ được phần nào.
Thủy có em gái đang mang thai ở những tuần cuối. "Tôi rất lo lắng là đến lúc em sinh, ra khỏi nhà và có nguy cơ nhiễm Covid-19, rồi lo sau này bị ảnh hưởng…", cô tâm sự.
Hùng Trần là founder của Got It - một trong những start up do người Việt Nam tạo ra có thành công nhất định tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Hùng Trần là nhân vật mới đây xuất hiện trong câu chuyện với Dân trí và có những chia sẻ thú vị. Gần đây, anh trở về Việt Nam, sáng lập dự án phi lợi nhuận Steam For Vietnam, mang giáo dục chuẩn quốc tế về Việt Nam với mong muốn hun đúc đam mê và tìm ra các tài năng trong lĩnh vực lập trình.
Hùng kể, anh có một người bạn không may mắn trở thành F0. Ở thể nhẹ, là F0 cách ly tại nhà nhưng những ngày chống chọi với Covid-19 một mình khiến cho tâm lý bạn anh cũng trở nên có phần yếu đuối. "Thậm chí anh ấy còn nhắn tin cho bạn bè như thể sắp chia tay xa đến nơi, nội dung tin nhắn rất là khủng khiếp. Và như thế, tôi thấy là với các F0 nếu quan sát có thể thấy được là bị cách ly ở nhà họ sẽ cô đơn đến như thế nào. Vì có khi người xung quanh là F1 cũng phải cách ly, F0 phải một mình chống chọi với bệnh, dễ nảy sinh tâm lý hoang mang, lo sợ… Cần phải làm gì đó để họ bình tâm, lạc quan với mọi thứ".
Và thế là Giúp tôi ra đời.
Mỗi người trong số các nhân vật kể trên đều có câu chuyện riêng của mình. Nhưng điểm chung kết nối họ chính là câu chuyện xoay quanh Covid-19, xoay quanh một dự án có tên gọi Giúp tôi.
Dược sĩ Nguyễn Thế Sơn, một F0 cách ly tại nhà; bác sĩ Phùng Cao Cường, một F1 cách ly tại bệnh viện; Thăng Lê, kỹ sư công nghệ thông tin tại Mỹ; Nguyễn Phương Thủy, một người Việt đang sống và làm việc tại Mỹ… là 4 trong số đội ngũ tình nguyên viên lên đến hàng trăm người của Giúp tôi.
Còn Hùng Trần là một trong những người đồng sáng lập Giúp tôi - nền tảng kết nối theo yêu cầu do 150 tình nguyện viên người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới xây dựng thần tốc trong vòng 2 tuần. Dự án ra đời nhằm mang đến cộng đồng một ứng dụng có thể kết nối trực tiếp với đội ngũ y bác sĩ để có được những tư vấn y tế cần thiết, đặc biệt với những F0 nhẹ, F0 không triệu chứng cũng như người tiếp xúc gần trong vùng dịch mà chưa có được sự trợ giúp cần thiết do y tế quá tải.
Chia sẻ về sự ra đời của Giúp tôi, Hùng Trần nói: Một lần, tôi và Cường (Vòng Thanh Cường - founder Kompa) nói chuyện với nhau. Cường đang sống ở TPHCM, có kể chuyện chứng kiến số ca Covid-19 tăng mỗi ngày, y tế quá tải, một số F0 chưa được hỗ trợ kịp thời, nhất là F0 nhẹ, không triệu chứng. Cường đề xuất có thể làm một ứng dụng đơn giản kết nối những F0 không có hỗ trợ y tế với bác sĩ ở xa. Tôi thấy hợp lý, hình dung giống như Got It - ứng dụng kết nối học sinh với gia sư tôi đã làm. Thế là bắt tay vào triển khai.
Sau khi có ý tưởng, Hùng Trần huy động bạn bè, anh em trong công ty anh quen biết. Còn Vòng Thanh Cường huy động nhân viên tham gia làm tình nguyện viên để xây dựng nền tảng. Hùng Trần bày tỏ, trong đợt dịch bệnh xảy ra căng thẳng ở Việt Nam, trên thị trường cũng có nhiều app. Tuy vậy, anh chỉ nghĩ rằng trong bối cảnh có nhiều người cần được trợ giúp mà càng có nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra thì càng giúp được nhiều người. Suy nghĩ này khiến cho anh và những người sáng lập Giúp tôi không hề băn khoăn hay do dự.
Mất 2 tuần xây dựng được các yếu tố cơ bản để nền tảng có thể vận hành, Hùng và cộng sự kết hợp với nhiều tổ chức chuyên môn để đi huy động mạng lưới tình nguyện viên tư vấn gồm đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý… Anh chia sẻ, Giúp tôi, hiểu nôm na cũng giống như một số ứng dụng kiểu xe công nghệ, gọi đồ ăn công nghệ được phát triển trong những năm qua ở Việt Nam. Đây chính là điểm khác biệt của Giúp tôi so với các hệ thống khác.
Một trong những may mắn là khi Hùng Trần và các cộng sự xây dựng Giúp tôi thì phía Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp xúc và trở thành đơn vị bảo trợ chính thức, đưa Giúp tôi thành thành viên Trung tâm Công nghệ Phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. "Khi có bảo trợ chính thức và hỗ trợ về mặt công nghệ, truyền thông thì tính chính thống của nền tảng tăng lên rất nhiều, có thể dễ dàng hơn trong thu hút tình nguyện viên tư vấn, y bác sĩ", Hùng Trần bày tỏ.
Thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, Giúp tôi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia rất tích cực của hàng trăm tình nguyện viên là y bác sĩ, trong đó có những trường hợp bác sĩ là F0, F1 cách ly tại nhà như anh Nguyễn Thế Sơn, Phùng Cao Cường nêu trên và nhiều y bác sĩ đã, đang công tác tại nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước, bác sĩ người Việt Nam tại nước ngoài… Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên còn là những người làm trong lĩnh vực công nghệ như Thăng Lê, Nguyễn Phương Thủy…
Hùng Trần cho biết hiện tại, anh và các cộng sự tiếp tục xây dựng nền tảng Giúp tôi theo hướng có khả năng mở rộng nhiều ứng dụng khác nhau vì xác định hiện tại là trợ giúp y tế nhưng sau này dịch được kiểm soát sẽ còn hệ lụy. Một số tính năng được thiết kế cho Giúp tôi chẳng hạn như kết nối cho nhận để mọi người có thể chia sẻ hàng thiết yếu, tư vấn tâm lý cho những người bị cách ly, phong tỏa lâu hoặc là nơi để các F0 đã được chữa khỏi tâm sự, chia sẻ, kết nối cộng đồng giúp cho những bệnh nhân đang bị hoặc người tiếp xúc gần vững vàng về tâm lý.
"Khi tôi huy động thì anh em đều tham gia rất nhiệt tình. Với nhiều bạn, việc gì tốt, có ích cho nhiều người, họ sẵn sàng tham gia và làm rất chăm chỉ, nghiêm túc dù công việc là cực kỳ vất vả. Có ai muốn dịch mãi đâu. Cũng có người muốn về Việt Nam mà dịch lại không về được, nếu làm cái gì đó cùng nhau mà giúp cho đại dịch qua đi, mọi thứ trở lại bình thường thì là điều quá tốt, ai cũng mong và đó chính là động lực để mọi người tham gia và làm việc không mệt mỏi cho dự án này, dù dự án phi lợi nhuận", anh nói.
Thăng Lê, kỹ sư công nghệ thông tin tại Texas, Mỹ không giấu được sự hào hứng khi kể về những ngày tháng "code ngày code đêm, code xuyên lục địa". Anh bảo đó là kỷ niệm rất đáng nhớ trong 2 tuần làm việc hết công suất để Giúp tôi ra đời. Điều khiến anh rất thích đó là hệ thống của Giúp tôi có tiêu chí rõ ràng, đó là tính bảo mật thông tin cho người dùng, khả năng kết nối và xử lý dữ liệu trong thời gian thực cũng như cho phép thực hiện và xử lý hàng nghìn kết nối giữa các tình nguyện viên với người cần giúp đỡ.
Còn Nguyễn Phương Thủy kể ngay khi được founder của Got It rủ tham gia dự án, cô đã rất hào hứng. Lý do căn bản nhất là cô muốn giúp đỡ cộng đồng và trong cộng đồng này có cả người thân, bạn bè của mình. Thủy cho hay cô cảm thấy hứng khởi vì tinh thần làm việc hăng say và thần tốc của mọi người để có thể cho ra đời nền tảng chỉ trong vòng 2 tuần.
"Anh Hùng chia sẻ với tôi vào một buổi tối rồi sau đó thì cả nhóm nhảy vào làm luôn. Anh toàn làm việc có khi đến 2-3h. Người đứng đầu dự án làm hăng say, chăm chỉ như thế thì tự trong lòng tôi cũng cảm thấy phải làm thật chăm để dự án mau đi vào hoạt động", Thủy bày tỏ. Cô cũng bày tỏ sự xúc động khi thấy dự án ngày càng vươn tới được nhiều người cần giúp đỡ, có sự tham gia của các bác sĩ khắp nơi ở Việt Nam, bác sĩ người Việt tại các nước.
"Giúp tôi thực sự đang giúp giảm đi phần nào gánh nặng y tế cho ngành y tế, giải tỏa vấn đề tâm lý của các bệnh nhân. Là một trong những người tham gia dự án, tôi thấy tự hào, hạnh phúc vì đóng góp được phần nhỏ hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân Việt Nam, trong đó có kể có người thân và bạn bè của mình", cô tâm sự.
Thời gian đầu cứ dự án khá gấp gáp, khối lượng công việc nhiều mà những kế hoạch công việc của cô tại Mỹ không thể hủy bỏ, Thủy phải tranh thủ xử lý các đầu việc của Giúp tôi ngay trong những chuyến công tác. Buổi sáng, cô dậy từ 4h để họp với cả đội vì múi giờ Mỹ và Việt Nam lệch nhau, đến 7-8h lại bắt tay xử lý công việc chính. Có thời gian, cô lại tranh thủ tập trung cho dự án.
"Nghĩ về những người Việt Nam, trong đó có gia đình mình, người thân mình đang phải hàng ngày sống chung với dịch, tôi càng có động lực với Giúp tôi. Nền tảng xây dựng ra có thể kết nối người cần giúp với chuyên gia y tế mà có khi chính người thân của mình cần đến, nghĩ đến đó là tôi không cảm thấy mệt mỏi", cô tâm sự chân thành.
Nguyễn Thế Sơn, sau những trải nghiệm của việc trở thành một F0, thì càng thấu hiểu F0 mong muốn và cần gì trong thời gian cách ly, điều trị. Anh kể biết đến Giúp tôi nhờ một người bạn giới thiệu và ngay khi đó, anh đã sẵn sàng tham gia dự án với vai trò một tình nguyện viên. Theo anh, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của y tế sẽ giúp rất nhiều người, đặc biệt các F0 nhẹ, F0 không triệu chứng cả về kiến thức y học lẫn tâm lý, giúp họ vượt qua dịch bệnh.
Với bác sĩ Phùng Cao Cường, những ngày trở thành F1 và bị cách ly, anh cảm thấy vấn đề lớn nhất của các "F" chính là tâm lý. "Lo lắng mình thành F0, lo sẽ lây cho người khác rồi ngày nào lên mạng xã hội đọc tin cũng thấy hằng hà sa thông tin, cả chính thống cả không chính thống nên rất hoang mang. Nói thật, nhân viên y tế đã thấy thế thì người không phải nhân viên y tế, chưa có kiến thức trong ngành sẽ còn hoang mang thế nào…", anh bày tỏ. Đó cũng là lý do khi biết đến dự án Giúp tôi, anh Cường không do dự đăng ký tham gia luôn.
"Nhiều khi F0 triệu chứng nhẹ chưa hẳn họ có vấn đề gì về sức khỏe đâu, họ cô đơn, họ chỉ cần được nói chuyện, được chia sẻ như bạn bè thôi là sau đó đã thoải mái, trút được rất nhiều gánh nặng rồi… Tâm lý, với những F0 triệu chứng nhẹ tự cách ly, F1, người tiếp xúc gần là cực quan trọng", anh Cường nói.
Một cách nào đó, đội ngũ bác sĩ là tình nguyện viên của Giúp tôi, ngoài tư vấn y tế thì còn giúp tư vấn về tâm lý cho các F, để họ có thông tin chính thống, không bị hoang mang. "Nếu như mọi người đều chung tay hỗ trợ, các F0, F1 tự cách ly là bác sĩ có cơ hội chia sẻ với người khác thì sẽ có thể tạo nên sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh", anh bày tỏ, và chia sẻ việc biến thời gian của bản thân trở thành có ích, lan tỏa năng lượng tích cực là điều khiến anh cực hào hứng khi tham gia dự án này.