EVN ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh dịch vụ khách hàng
(Dân trí) - Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.
Một trong bốn mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số toàn diện của EVN là ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh dịch vụ khách hàng, trong cả 4 mảng hoạt động gồm cung cấp hợp đồng điện theo phương thức điện tử, giao dịch và thanh toán điện tử, chăm sóc khách hàng qua tổng đài tự động và đo đếm điện năng bằng công tơ điện tử.
Từ năm 2019, EVN đã triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Theo đó, toàn bộ hồ sơ giao dịch dịch vụ điện giữa EVN và khách hàng sẽ phải sử dụng hồ sơ điện tử, chữ ký điện tử. Kết quả đến năm 2021, tỷ lệ hợp đồng điện tử đã đạt trên 97,9%, tăng 19,90% so với năm 2020 và vượt 7,9% so với yêu cầu đặt ra trong kế hoạch chuyển đổi số.
Tập đoàn đã kết nối vào cả 2 hệ thống là nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP) và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu về dân cư, tích hợp với các cổng thông tin của các bộ, ngành và các nền tảng của các UBND tỉnh/thành phố (như các nền tảng Thái Nguyên ID, Hue-S…).
Kết quả là toàn bộ 12/12 dịch vụ điện của EVN đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đến cuối năm 2021, số lượng dịch vụ điện cung cấp qua Cổng dịch vụ công quốc gia chiếm khoảng 60% tổng số dịch vụ công toàn quốc được thực hiện qua cổng.
Về thanh toán điện tử, năm 2020, EVN triển khai hóa đơn tiền điện ứng dụng QR code. Năm 2021, EVN đã trực tiếp kết nối thanh toán qua ứng dụng mobile money với 3 nhà mạng lớn là VNPT, MobiFone và Viettel. Hiện nay, khách hàng của EVN có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 95%.
99,67% các yêu cầu chăm sóc khách hàng của EVN đã được tiếp nhận qua các kênh tương tác trực tiếp như đường dây nóng của trung tâm chăm sóc khách hàng, ứng dụng trung tâm hành chính công, Cổng dịch vụ công. Hiện chỉ còn 0,33% các yêu cầu của khách hàng tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng của EVN.
Với công tác đo đếm điện năng, tính đến tháng 7/2022, 77,67% số khách hàng của EVN đã được lắp đặt công tơ điện tử, trong đó khoảng 60% có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Công tơ điện tử giúp quá trình đo đếm điện năng của EVN thuận lợi hơn, giảm sai sót.
Nhờ các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện của EVN đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.