1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN tăng giá điện “không khéo”

(Dân trí) - “Mức tăng giá điện vừa qua chỉ 5%, nằm trong thẩm quyền của EVN. Cái “không khéo” của ngành điện là không làm tốt khâu tuyên truyền, công khai lý do tăng giá” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét tại buổi họp báo chiều 3/7.

Giá điện chỉ tăng 5%, hoàn toàn trong thẩm quyền của EVN và Bộ Công thương.
Giá điện chỉ tăng 5%, hoàn toàn trong thẩm quyền của EVN và Bộ Công thương.
 

Đúng như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét, do đóng vai trò là một mặt hàng nhạy cảm, tác động đến phần lớn đời sống người dân nên trong hầu như trong các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nào, câu hỏi “sắp tới có điều chỉnh giá điện không” cũng đều được nêu ra.

Phiên làm việc chiều 3/7, vẫn chủ đề cũ nhưng nội dung đã khác, bởi vào Chủ nhật vừa rồi, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bất ngờ tăng giá điện thêm 5% lên 1.369 đồng/kWh khi trước đó, ngành điện vẫn khẳng định phương án tăng giá chưa được tính tới. Trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt, việc tăng giá dù “có lý” vẫn gây tâm lý nghi ngại cho là ngành điện “đánh úp” khách hàng. EVN cũng chưa đưa ra lý giải cụ thể về cơ sở tăng giá lần này.

Khẳng định Tập đoàn Điện lực có lý và không sai về mặt quy trình khi tuyên bố quyết định tăng giá bán điện trong ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh định hướng, giá điện và giá nhiều mặt hàng khác sớm muộn cũng phải theo thị trường. Mức tăng 5% lần này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền quyết định của EVN và Bộ Công thương.

“Tuy vậy, cái “không khéo” của ngành điện là việc không làm tốt khâu tuyên truyền, công khai lý do tăng giá, khiến dư luận chưa đồng tình” – người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nêu nhận xét.

Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong sự việc lần này, Chính phủ đã có ý kiến, yêu cầu Bộ Công thương và ngành điện rút kinh nghiệm. Theo đó, khi tăng giá một mặt hàng có tác động trên diện rộng đời sống xã hội, ngoài việc công khai, minh bạch về giá cả, lỗ lãi thì Bộ chủ quản cũng như EVN còn phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu cặn kẽ ngọn ngành vì sao tăng, cũng như để người dân có sự chuẩn bị sẵn sàng.
 

Góp ý thêm vào cuối buổi họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng “nhắc khéo” ngành công thương cần “rút kinh nghiệm” để tạo sự đồng tình tốt hơn trong dư luận của người dân cũng như doanh nghiệp, dù vừa rồi việc tăng giá điện là nằm trong lộ trình nhưng khi tăng lại công bố thông tin chưa tốt.

“Một chính sách, dù đúng cũng cần một giải thích cụ thể, rõ ràng để tạo đồng thuận” – Bộ trưởng Đam lặp lại lần nữa nhận định EVN làm chưa tốt về mặt tuyên truyền.

Cùng tham gia trả lời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh tính toán, với việc tăng giá điện thêm 5% như vừa rồi, đối với các doanh nghiệp tại những lĩnh vực sử dụng nhiều điện nhất như hóa chất và luyện kim, chi phí tiền điện chiếm 10% giá thành. Trong trường hợp đó, tác động tương ứng cũng chỉ 0,5% tính vào giá thành.
 
Tuy nhiên, theo bà, trên thực tế do các doanh nghiệp có điều chỉnh thời gian sử dụng điện và áp dụng những biện pháp tiết giảm chi phí quản lý nên việc tăng giá điện lần này tác động rất nhỏ đến giá thành sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra.
 
Nói về hướng điều hành của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tới đây, không chỉ điện mà cả xăng dầu và các mặt hàng khác cũng đều sẽ thực hiện theo giá thị trường, nhằm hướng đến một cơ cấu giá hợp lý, phù hợp với quy luật, khuyến khích được nền kinh tế phát triển.

 

Hiện nay, giá điện vẫn đang được bán dưới giá thành. Điều này, theo phân tích của Bộ trưởng Đam sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nhiều ngành sản xuất công nghiệp rất tiêu tốn điện năng vô hình chung lại được lợi, chẳng hạn như ngành cán thép.

 

Vì vậy, nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất kinh doanh các ngành hàng sẽ công bằng hơn. Đương nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc đưa giá điện về giá thị trường và đưa tính cạnh tranh trong cung cấp điện cho người tiêu dùng và cho sản xuất cần có lộ trình, không phải làm ngay.

 

Chính phủ cũng đã khẳng định, việc điều chỉnh giá nói chung và giá điện nói riêng phải đảm bảo mấy yêu cầu, mà yêu cầu đầu tiên là phải làm một cách công khai, minh bạch vè giá thành, lỗ lãi, lý do vì sao tăng, vì sao giảm.

 

Trong trường hợp điều chỉnh tăng thì cũng không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người khó khăn và những đối tượng cần khuyến khích. Nếu có, phải đưa ra giải pháp để những ảnh hưởng đó được bù đắp.

 

Với việc tăng giá vừa qua, “chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và một bộ phận (chứ không phải là tất cả) nhân dân.” – người phát ngôn Chính phủ nói. “Nhưng Chính phủ cũng kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân phải nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực.”

 

P.Thảo – Bích Diệp