Chưa phải lúc tăng giá điện!

(Dân trí) - Bộ Công thương tính toán giá điện tăng 5% thì chi trả hộ gia đình chỉ thêm 39.000 đồng/tháng là tối đa, nhưng bỏ qua đối tượng dễ tổn thương nhất là công nhân và sinh viên, hóa đơn tính điện gấp nhiều lần so giá bán lẻ niêm yết.

Điều kiện giảm phát chưa đủ cho tăng giá điện!

Trong khi sức mua thị trường yếu, doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn thì giá điện và giá nước đồng loạt tăng.

Điều dễ hiểu là tâm lý người tiêu dùng nhạy cảm với sự tăng giá hơn là giảm giá. Vì vậy không quá bất ngờ khi quyết định tăng giá điện thêm 5% vào ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi lại nhận được nhiều phản ứng tiêu cực từ người dân như vậy, trong khi đó, việc giảm giá xăng lần thứ 5 kể từ đầu năm trong bối cảnh tháng 6 giảm phát thì không mấy người tỏ ra vui mừng như trước kia.

Chỉ lướt qua những nhóm do người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam lập ra như "Hội những người phát cuồng vì điện tăng giá" hoặc "Hội những người phản đối tăng giá điện"... cũng có thể thấy được một phần hiệu ứng của bức tranh xã hội trước những chính sách của Chính phủ.

Cùng với đó, thông tin về việc giá nước sẽ tăng tới 50% kể từ 11/7 tới cũng không khỏi khiến người dân lo ngại.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Công thương, nếu sử dụng đến 400 kWh thì việc tăng giá này chỉ khiến mỗi hộ gia đình phải chi thêm 39.000 đồng/tháng mà thôi. Tuy nhiên, có thể thấy tính toán này lại chưa đề cập đến những đối tượng dễ tổn thương hơn trong xã hội là sinh viên học xa nhà và công nhân, bởi hiện họ đang phải chi mức giá gấp 3-4 lần giá niêm yết bán lẻ của EVN trong khi thu nhập thấp hơn rất nhiều so những đối tượng người tiêu dùng khác.

Điều kiện giảm phát chưa đủ cho tăng giá điện!

CPI giảm là điều kiện để điện tăng giá, song sức chi trả của người dân đang kiệt quệ (hình minh họa). 

Trao đổi với Dân trí, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đang là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ bình luận như sau: Nếu đặt động thái này của EVN trong chủ trương tiến đến kinh tế thị trường thì là hợp lý. Hơn nữa, trong lúc lạm phát đang thấp thì việc tăng giá là đúng thời cơ.

Tuy nhiên, ông Kiêm phân tích, ở đây có 3 vấn đề đáng đặt ra là trong khi vai trò quản lý thất thoát điện năng chưa được làm rõ ràng minh bạch, việc tăng giá điện lại tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác mà vẫn chưa có sự đánh giá nghiêm túc và kiểm điểm ở ngành điện thì tăng giá là chưa hợp lý.

Hai là, trong lúc nền kinh tế đình trệ, sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào tăng lên, tồn kho lại đang tăng cao thì việc tăng giá điện trong lúc này là phải xem xét lại. Ba là, vào đúng lúc đời sống của người dân đang thấp, thu nhập giảm, sức mua kiệt quệ thế này mà tăng giá điện thì sẽ có những tác động không tốt.

Do vậy, theo ông, "phải minh bạch hóa trước. Trong khi chưa minh bạch mà việc khắc phục thất thoát đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp là không được!"

Người dân lo ngại gánh hộ nhà đèn thất thoát và thua lỗ

Hiện, mức tổn thức đối với điện năng ở Việt Nam vẫn đang mức 9-10% và dự kiến trong năm 2012 này, theo ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết, đạt khoảng 9,2% tương đương khoảng 11 tỉ kWh. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mỗi năm, với mức tiết giảm tổn thất 0,93% thì tập đoàn đã tiết kiệm được 200 tỉ đồng. Cứ làm phép nhân lên thì con số mà người tiêu dùng phải gánh cho EVN trong giá thành bán ra đã lên hàng ngàn tỉ đồng.

Trên thực tế, việc tăng giá điện bao nhiêu phần trăm và gây tác động như thế nào lên chỉ số giá CPI không phải là vấn đề dư luận quan tâm, mà quan trọng là ở đây người tiêu dùng phải chi trả cho phần điện tổn thất, không dùng đến. Không những vậy, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và đại diện EVN đều đã khẳng định, giá điện 2012 này sẽ không gánh lỗ do đầu tư ngoài ngành của EVN thì điều đó cũng không làm người tiêu dùng an tâm hơn.

Bởi điều đáng lưu ý ở đây là kết thúc năm 2011, lỗ ở lĩnh vực kinh doanh điện của EVN là trên 10.000 tỷ đồng thì nhờ kinh doanh các mặt hàng khác nên EVN đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Và chính Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh từng tuyên bố, toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành.

Hội trường Quốc hội tháng 11 năm ngoái cũng đã từng "nóng" lên vì vấn đề này bởi bên cạnh việc báo lỗ thì phát ngôn gây "sốc" của ông Thanh về việc ông "đau lòng" khi mức lương nhân viên EVN "chỉ" 7,3 triệu đồng/tháng.

Còn nhớ chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Phải chăng từ độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp, EVN đã khiến người tiêu dùng không những phải gánh chịu những khoản lỗ do hoạt động yếu kém của Tập đoàn mà còn phải chịu cả những khoản lỗ do thất thoát điện năng, do đầu tư ngoài ngành và do việc trả lương thưởng cao cho nhân viên nội bộ Tập đoàn. “Pháp lý và đạo lý nào cho vấn đề này? Việc đề nghị tăng giá điện như vậy có minh bạch không?”.

Còn đại biểu tỉnh Cao Bằng, Phùng Văn Hùng đánh giá, “Việc tăng giá để người dân chia sẻ khó khăn với ngành điện, đây là việc làm cực chẳng đã”. Bởi hệ quả của việc thiếu minh bạch, thiếu công khai, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của những Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là thất thoát hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế của dân.

Đến đầu tháng 2 năm nay, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, qua làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ quan này đã xác định, đối với lĩnh vực kinh doanh viễn thông, phần doanh thu từ cho thuê, sử dụng cột điện của EVN phải giảm được giá thành.

Tuy nhiên, có vẻ như cùng với việc "vin" vào lý do điều hành giá điện theo thị trường (trong bối cảnh vẫn độc quyền bán) trong khi ngành than vẫn đang tiếp tục đòi tăng giá bán cho điện vì mức hiện tại mới chỉ đạt 57-63% giá thành - và ngành than đang phải gánh lỗ cho điện thì việc tăng giá điện thời gian tới là khó tránh khỏi. Theo Kiểm toán Nhà nước, giá than bán cho điện, nếu tính theo thị trường thì con số “hụt” thêm sẽ khoảng 12.000 tỷ đồng. Còn cụ thể, tính trên 1 KW điện, nếu than được bán theo đúng giá thị trường thì ngành điện phải chi thêm 140 đồng/kWh.

Thiết nghĩ, một khi EVN vẫn còn độc quyền, chế tài minh bạch chưa được thực thi thì việc tăng giá điện sẽ phải cân nhắc trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế. Hiện nay CPI giảm, song lại đến từ nguyên nhân sức mua người dân kiệt quệ. Do đó, lạm phát thấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để tăng giá điện.

Bích Diệp