1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

EVN: Không còn là "cậu ấm" được nuông chiều?

(Dân trí) - Khó có thể nói tất cả những vấn đề mà EVN đang đối mặt đều là trách nhiệm của ông Đào Văn Hưng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm quanh tập đoàn nhà nước đã quá nhiều năm quen với thua lỗ này.

Những con số nghìn tỷ "giật mình"

Điệp khúc lỗ của EVN không còn là chuyện lạ trong thời gian qua. Năm 2010, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn này cho thấy lỗ trong sản xuất kinh doanh lên tới 8.400 tỷ đồng. Nếu tính cả lỗ vì chênh lệch tỷ giá tới trên 17.000 tỷ đồng thì cả năm 2010 EVN cán mốc lỗ hơn 25.000 tỷ.
EVN: Không còn là "cậu ấm" được nuông chiều? - 1

Trước mắt EVN là rất nhiều việc phải làm (Ảnh minh họa)

Năm vừa qua, mặc dù giá điện đã tăng, áp lực lỗ từ điện giảm mạnh nhưng tập đoàn này vẫn lỗ trên 3.500 tỷ đồng. Những khoản lỗ chồng chất này khiến hình ảnh của EVN trong công chúng trở nên thiếu đẹp đẽ khi trên bất kỳ diễn đàn nào cũng thấy việc EVN bị đòi nợ. Tính đến 31/12/2011, nợ phải trả của tập đoàn này lên tới gần 240.000 tỷ đồng, cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt gần 1,5 lần so với mức giới hạn cho phép của Chính phủ.

Mặc dù lãnh đạo EVN luôn đổ lỗi những cọc lỗ, cọc nợ cho cơ chế vì phải giữ giá điện ở mức thấp hơn chi phí trong bài toán chung ổn định vĩ mô, nhưng cũng không thể phủ nhận EVN đã mang hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành và đổi lại là những khoản lỗ.

Kết quả kiểm toán cho thấy, đến hết năm 2010 các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới 50.000 tỷ, nhưng lợi nhuận thu về từ khoản đầu tư này chỉ là... 540 tỷ đồng. Nói cách khác, EVN bỏ 100 đồng đầu tư, thì chỉ thu lợi 1 đồng. Nói cách khác nữa, nếu đem số tiền này bỏ vào ngân hàng thì thu lãi cao hơn gấp nhiều lần.

Điển hình cho thất bại trong kinh doanh của EVN chính là EVN Telecom. Năm 2005, EVN bỏ ra 3.000 tỷ để xây dựng mạng CDMA, với tham vọng tranh giành miếng bánh thị phần viễn thông vốn không ngừng mở rộng và mang lại siêu lợi nhuận vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, những gì mà EVN thu được từ viễn thông chỉ là lỗ và nợ. Năm 2011, EVN Telecom chỉ đạt hơn 60% kế hoạch doanh thu, tăng trưởng 10% thuê bao (theo báo cáo là đạt xấp xỉ 5 triệu khách hàng). Trước đó, năm 2010 EVN Telecom cũng lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, và cõng số nợ phải trả lên tới 7.760 tỷ đồng, vượt hơn 5 lần so với vốn chủ sở hữu.

Sẽ tệ hơn nếu biết một số năm trước EVN Telecom cũng lỗ, nhưng khoản lỗ này được phân chia cho các công ty con kinh doanh điện. Giấc mộng viễn thông của EVN chính thức bị chặn đứng bằng việc bàn giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel cuối năm vừa qua. Đến nay, sau tất cả những lình xình với khoản đặt cọc trên 700 tỷ của FPT và thương hiệu bị đánh mất hoàn toàn, website của EVN Telecom cũng bị xóa sổ.

Những khoản lỗ mà EVN gánh chịu không chỉ đến từ điện, viễn thông mà có sự đóng góp của hầu hết các ngành tay trái mà tập đoàn này đầu tư. Cụ thể, các công ty tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản liên quan đến EVN đều hoạt động chật vật.

Quá nhiều việc phải làm

Không thể đổ hết trách nhiệm thua lỗ của EVN lên ông Chủ tịch Đào Văn Hưng, cũng không thể nói EVN đã đi quá xa trong đầu tư trái ngành, nhưng có một sự thật là tập đoàn này đã "nướng" quá nhiều tiền để mang lại những giá trị chưa tương xứng.

Trong giai đoạn trước năm 2007, khi chưa có quy định về giới hạn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước, EVN là tập đoàn mạnh tay làm ăn trái ngành, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam. Sức hút của những ngành thịnh vượng trong thời gian đó như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... khiến EVN không thể làm khán giả khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành. Đến nay, vốn đầu tư ngoài ngành của EVN là 2.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự đi đầu nóng sốt đó cộng với hiệu quả đì đẹt khiến EVN một lần nữa trở thành đơn vị đi đầu trong chủ trương tái cấu trúc đầu tư và sắp xếp lại các tập đoàn nhà nước. Thông điệp mà EVN nhận được là rất rõ ràng: khẩn trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và minh bạch hóa cơ cấu giá thành điện để dần đi vào cơ chế thị trường và đảm bảo giá thành đủ bù đắp chi phí. Năm 2012 mở màn bằng việc chính thức bàn giao EVN Telecom cho Viettel, trả đủ 708 tỷ đồng đặt cọc cho FPT.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2011, EVN cũng phải giảm 5% cổ phần tại ABBank, dù vẫn giữ 20% cổ phần và là cổ đông chiến lược của ngân hàng này trong năm 2012. Trong hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2011, lãnh đạo EVN cũng khẳng định sẽ tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn, tiếp tục thoái vốn trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán trong năm 2012 để tập trung vào điện sau khi không đạt sản lượng theo kế hoạch năm 2011.

Đồng thời, một nhiệm vụ tưởng như đơn giản là tiết giảm 5% hao tổn điện năng cũng được coi là thách thức với EVN, khi kết quả kiểm toán cho thấy mức tổn thất này của năm 2010 lên tới gần 9.700 triệu kWWh, chiểm tỷ lệ 10,15% và tăng 0,58% so với năm 2009.

Mặc dù chưa có kết quả kiểm điểm trách nhiệm nguyên Chủ tịch Đào Văn Hưng, nhưng việc Thủ tướng quyết định miễn nhiệm ông này cùng với thời điểm sắp công bố kết quả thanh tra lương bổng và chỉ lệnh tái cấu trúc được thực hiện ráo riết có thể được coi là động thái đủ mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khi trao đổi với báo chí cũng cho biết năm 2012 Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện tập đoàn này.

Chủ trương, kế hoạch, lộ trình, những bài toán và cả sự thuận lợi về cơ chế khi cho phép tăng giá điện đều đã mở ra đối với EVN. Bài học nhãn tiền từ mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và cách chi tiêu tiền nhà nước cũng không phải không có. Điều còn lại là sự chờ đợi kết quả từ những việc làm, để hoặc EVN tìm lại vị thế của một tập đoàn xương sống của đất nước, hoặc tiếp tục bị coi là một cỗ máy xay tiền thuế của nhân dân.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm