EVN: Năm 2012, đẩy mạnh vay và tái cơ cấu toàn bộ
(Dân trí) - Riêng trong năm 2011, số lỗ của EVN được công bố hôm nay khoảng trên 3.500 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so con số trình lên Bộ Công thương trước đó là 11.000 tỷ đồng.
Sáng 6/1, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011 - triển khai kế hoạch 2012, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, trong năm nay, Tập đoàn này sẽ tập trung vào ba mục tiêu trong điểm.
Ngành điện "giảm lỗ" được 2/3 so với mức dự kiến trước đó (ảnh minh họa)
Một là cung cấp đủ điện cho nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế, hai là phải đả bảo đủ nhu cầu điện cho 9 công trình trọng điểm quốc gia và nhiệm vụ quan trọng thứ ba là tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn.
Trong kế hoạch tái cơ cấu của mình, bên cạnh việc thoái vốn các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán ngân hàng, ông Thanh cũng cho biết, EVN đang cân nhắc tái cơ cấu trên 3 nội dung lớn: Tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu sở hữu và tái cơ cấu quản trị.
Cũng năm nay, chỉ tiêu mà EVN đặt ra là điện sản xuất và mua đạt 118,5 tỷ KWh, tăng 11,5% so năm 2011. Trong đó, điện do EVN tự sản xuất 50,88 tỷ KWh, điện mua ngoài 67,62 tỷ Kwh. Riêng phần điện nhập của Trung Quốc, ông Thanh cho biết sẽ vào khoảng 4,64 tỷ KWh. Tổng sản lượng điên thương phẩm khoảng 105,18 tỷ KWh, tăng 11,9% so năm 2011.
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm điện với mục tiêu là tối thiểu 1% điện thương phẩm và giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 9,5% trong năm 2012.
Để thực hiện đầu tư xây dựng, khối lượng đầu tư vốn của EVN năm 2012 khoảng 75.567 tỷ đồng, tăng 18,7% so số vốn thực hiện năm 2011. Trong đó, đầu tư thuần 52.248 tỷ đồng, tăng 21,1%; trả nợ gốc và lãi vay khoảng 22.851 tỷ đồng so năm 2011.
Lãnh đạo EVN cũng tiết lộ, dự kiến trong năm 2012, EVN sẽ ký các khoản vay mới ODA trị giá khoảng trên 2 tỷ USD và khoảng 1 tỷ USD vay vốn thương mại nước ngoài.
Cụ thể, EVN sẽ ký thỏa thuận khung cho chương trình đầu tư lưới điện truyền tải theo hình thức tài trợ phân kỳ (MFF) trong giai đoạn 2011-2020 trị giá khoảng 730 triệu USD. Bên cạnh đó, vay Ngân hàng Thế giới (WB) khoản hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2 (DPL2) 200 triệu USD và dự án phân phối hiệu quả (DEP) 378,9 triệu USD cùng một số khoản vay khác.
Đồng thời, Tập đoàn cũng sẽ thúc đẩy quá trình nhận nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các ngân hàng khác như WB, JICA, KJW, AFD trị giá khoảng 1 tỷ USD cho đầu tư mới và cải tạo lưới điện phân phối.
Năm 2011, EVN đã huy động tổng cộng khoảng 4,9 tỷ USD. Trong đó, vay ODA và vốn vay ưu đãi khoảng hơn 3 tỷ USD và vay tín dụng xuất khẩu kết hợp ưu đãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc khoảng hơn 1,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong con số do ông Thanh cung cấp ngày hôm nay, khoản lỗ của Tập đoàn này trong năm 2011 lại thấp hơn rất nhiều so con số đưa ra trước đó. Theo đó, tính đến hiện tại lỗ hơn 3.500 tỷ đồng chứ không phải 11.000 tỷ đồng mà trong các cuộc tiếp xúc trước đây với báo chí, đại diện Bộ Công thương và EVN đã đưa ra. Con số lỗ đã được "cắt giảm" đáng kể này được lý giải do EVN đã thực hiện một số giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động.
Bích Diệp