1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN "hứa" không tăng giá điện trong năm 2015

(Dân trí) - EVN khẳng định, hiện nay các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Sang năm EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn đinh càng lâu càng tốt.


EVN khẳng định sẽ không đề xuất điều chỉnh giá điện từ nay cho đến hết năm.

EVN khẳng định sẽ không đề xuất điều chỉnh giá điện từ nay cho đến hết năm.

Trước thông tin EVN đang muốn tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, trong năm 2015 EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện vì điều chỉnh tỷ giá.

"Hiện nay các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Sang năm EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn định càng lâu càng tốt", ông Tri nói.

Theo ông Tri, vừa qua NHNN đã điều chỉnh tỷ giá, những doanh nghiệp như EVN vay vốn bằng ngoại tệ, việc chênh lệch tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư. EVN ước tính sơ bộ, từ đầu năm 2015 đến nay các khoản nợ ngắn hạn vào khoảng 240 tỷ đồng.

Chênh lệch thứ 2 tác động trực tiếp đến chi phí của EVN đó là giá khí vì hiện nay đang tính bằng đồng đô la Mỹ, vì vậy khi tỷ giá tăng lên thì chi phí mua điện của các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên, ước tính chi phí tăng lên trong năm 2015 do chênh lêch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy tăng là khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay trong năm 2015 này là 2.000 tỷ đồng.

Một điểm ảnh hưởng nữa là các khoản vay chưa đến hạn trả, EVN vay của các tổ chức tín dụng lớn với số lượng lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, vay cả bằng đồng đô la Mỹ, đồng yên Nhật và đồng Euro, trong đó tỷ trọng lớn nhất là đồng đô la Mỹ. Chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá vừa qua theo tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành.

Ông Tri cũng cho biết, với nhưng khoản vay hình thành tài sản đã đưa vào sử dụng, EVN sẽ phải tính toán để báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm.

Trong thời gian tới, trước hết đối với khoản 2.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá năm 2015 mà phải đưa ngay vào chi phí sản xuất (để tính vào giá điện), EVN khẳng định sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận để đưa được khoảng chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào mà không bị lỗ.

Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ sẽ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện.

"Như vậy trong năm 2015 việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh được. Nếu phân bổ ngay một lúc thì doanh nghiệp sẽ lỗ, còn phân bổ dần dần trong vòng 5 năm hoặc 7 năm thì doanh nghiệp vẫn chịu đựng được. Đối với dòng tiền các khoản chênh lệch tỷ giá chưa đến hạn trả nợ thì chưa thể gọi là lỗ ngay được", ông Tri nhấn mạnh.

Phương Dung

 

EVN "hứa" không tăng giá điện trong năm 2015 - 2