“EVN đừng chỉ nhận cái lợi về mình”

(Dân trí) - Theo chuyên gia Ngô Trí Long, EVN đừng nhận cái lợi về mình mà phải biết chia sẻ, phải tạo được điều kiện để tăng năng suất lao động, hoạt động có hiệu quả hơn để kéo chi phí sản xuất xuống thấp, giá thành thấp, giá bán thấp.

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Khó thu hút đầu tư vào ngành điện: “Đừng đổ oan cho giá điện thấp!”

* Tỷ giá USD/VND tạo “sóng lớn” và tâm lý kỳ vọng

* Chiêm ngưỡng các toa tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam

* Điện, xăng dầu nối đuôi nhau tăng giá là “trùng hợp ngẫu nhiên”!

* Sắp khởi công cảng hàng không 7.500 tỷ đồng tại Quảng Ninh

* Chuyện về đại gia có hơn 20.000 căn nhà mặt phố tại Sài Gòn

Những vấn đề liên quan đến giá điện đã làm “nóng” phiên tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP) tổ chức chiều này (16/3/2015).

Không thể so sánh giá bán điện Việt Nam với giá khu vực

Tại phiên tọa đàm, chuyên gia Ngô Trí Long thẳng thắn, ông không đồng ý với lập luận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tăng giá là vì “giá điện thấp hơn khu vực nên không thu hút được nhà đầu tư tham gia vào ngành điện”.

Theo ông Long, việc Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mà sắp tới sẽ là Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) thì bắt buộc giá hàng hóa trong nước phải hòa đồng với giá thế giới. Việc so sánh giá trong nước với giá thế giới là cần thiết, song ông Long cũng chỉ ra rằng, không phải mọi loại hàng hóa, sản phẩm đều so sánh được như vậy. 

Hiện tại, 70% lượng xăng dầu của Việt Nam phải nhập khẩu nên việc so sánh giá xăng dầu trong nước với thế giới là dễ hiểu, tuy nhiên, điều này lại không đúng với giá điện. Trong bối cảnh ở Việt Nam, ngành điện lực còn độc quyền, việc điều hành giá đã được nhất quán là do nhà nước định theo tín hiệu thị trường, khi quyết định mức giá, Chính phủ đã bù đắp đủ chi phí cho bên sản xuất, bán điện, đồng thời có mức lãi hợp lý. 

Do đó, theo ông Long, việc EVN “kêu” giá điện bán ra vẫn còn thấp so với giá điện trong khu vực là khập khễnh. Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay để nâng giá bán và có cơ sở thuyết phục người tiêu dùng thì EVN thường dựa vào giá đầu ra chứ không tính đến giá đầu vào, trong khi đó, nếu so sánh về giá đầu vào thì ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. 

Chẳng hạn, theo ông Long thì lương của lãnh đạo EVN không bằng thế giới, năng suất lao động của EVN cũng thấp hơn và một số vấn đề khác như bảo hiểm rủi ro trong quá trình sử dụng điện ở Việt Nam cũng không có. “Do đó, để dành lợi thế về mình, EVN hay so sánh giá điện đầu ra của Việt Nam so với thế giới, nhưng đó là bất hợp lý” – ông Long khẳng định. “Như ở Singapore, giá điện là vì họ sử dụng phần lớn nhiệt điện dầu trong khi ở Việt Nam thì khoảng 40% là thủy điện (giá thành chỉ bằng một nửa điện hóa thạch)”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định, nếu Việt Nam quản lý chặt ngành điện, chi phí hợp lý, tiết kiệm được hao hụt điện năng, tăng năng suất lao động, chi phí lương thấp, cơ cấu thủy điện nhiều… thì rõ ràng là bù đắp được chi phí. Với điều kiện này chắc chắn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

“EVN đừng chỉ nhận cái lợi về mình”

Khó thu hút đầu tư: “Đừng đổ oan cho giá điện thấp!”
Ông Long cũng đưa ra nhận định: “nếu đổ oan cho giá điện thấp mà không cổ phần hóa được thì tôi cho rằng cần phải xem xét lại và lý do đó tôi thấy hoàn toàn không thỏa đáng!”.

Theo vị chuyên gia, một trong nguyên nhân khiến ngành điện Việt Nam chậm phát triển là thiếu vốn, hoạt động quản trị còn hạn chế nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao.

Ông Long cũng chỉ ra rằng, mức lãi của ngành điện mặc dù thấp (trừ thủy điện có lãi cao) nhưng mức độ rủi ro ở ngành này lại không cao như những ngành khác. Khó khăn cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện (GENCO) nguyên nhân là do quy mô vốn, tài sản của 3 tổng công ty này quá lớn nên với điều kiện cổ phần hóa, không nhà đầu tư chiến lược nào hấp thụ được số vốn này. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư ở lĩnh vực này còn hạn chế, cơ cấu bộ máy chưa hợp lý, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. 

“EVN đừng nhận cái lợi về mình mà phải biết chia sẻ, phải tạo được điều kiện để tăng năng suất lao động, hoạt động có hiệu quả hơn để kéo chi phí sản xuất xuống thấp, giá thành thấp, giá bán thấp, như vậy không chỉ có lợi ích cho người tiêu dùng mà còn là một điều kiện quan trọng để thu hút được đầu tư nước ngoài” – chuyên gia Ngô Trí Long góp ý. 

Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, vừa qua, giá thành sản xuất điện năm 2013 của EVN đã được kiểm toán và công khai kết quả. 

Đến thời điểm hiện tại, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện của EVN vẫn còn một khoản lỗ từ các năm trước (2010-2011) để lại. Khi điều chỉnh tăng giá điện lên 7,5% từ 16/3 thì các cơ quan Bộ ngành cũng đã tính toán và dành 1 phần để EVN xử lý lỗ treo (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá), đảm bảo EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng). Trong lộ trình sắp tới, ông Tuấn cho biết, vẫn phải xử lý tiếp khoản lỗ này. “Lúc nào giải quyết được hết các khoản lỗ treo này thì mới theo giá thị trường được” – ông Tuấn cho hay.

Về vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, để làm rõ giá thành, chi phí của EVN thì cần một cuộc đại kiểm tra, kiểm soát, một cuộc đại phẩu thuật và cần có các cơ quan tư vấn độc lập có đủ khả năng chuyên môn.

“Chứ còn hiện nay EVN báo cáo, Cục Điều tiết điện lực xem xét, cơ quan chức năng là Công thương (theo quan điểm của chúng tôi thông qua cá cuộc họp báo) thì thường đứng về phía đơn vị độc quyền, về phía EVN chứ ít khi đứng về phía người tiêu dùng và có những phát ngôn không nhận được sự hưởng ứng của công chúng như “giá điện tăng mọi người được hưởng lợi” – đây là điều hoàn toàn phi lý, phi thị trường. Hay như “nếu giá điện không tăng thì EVN bị phá sản”. Tôi cho rằng, cách phát ngôn của các cơ quan chức năng cần phải khách quan, công tâm, làm sao đứng ở trung gian, đừng nghiêng vào bên nào” – ông Long bức xúc.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”