EVN cùng một số đơn vị của ngành điện nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019

(Dân trí) - Cuối tuần qua tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2019”.

EVN cùng một số đơn vị của ngành điện nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 - 1

Đây là lần thứ hai giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức để tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những thành tựu, đóng góp giá trị cho sự phát triển công nghệ số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia.

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức lần thứ 2 đã thu hút đông đảo cơ quan, doanh nghiệp tham dự. Phát động từ tháng 3/2019, Ban tổ chức đã nhận được 245 hồ sơ dự thi ở 4 hạng mục: Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Giải thưởng về thu hẹp khoảng cách số. Các tiêu chí để đánh giá bình chọn và trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là: Ưu việt về tính năng, công nghệ, bảo mật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Sự nổi trội của sản phẩm dịch vụ so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường; Sản phẩm mới, dịch vụ có tiềm năng ứng dụng…

Qua đánh giá của Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng chung khảo, toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 4 đơn vị được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc tại buổi Lễ. EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Nhờ đó, mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Một số sản phẩm phần mềm tiêu biểu của EVN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh như: Phần mềm Quản lý văn phòng (E-office), Hệ thống thông tin Quản lý khách hàng (CMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật lưới và nguồn điện (PMIS), …

Cùng với EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) với Phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES) được vinh danh với Giải thưởng Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu.

Ngoài ra, còn có Công ty Điện lực Bến Tre, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cũng được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Trong đó, Công ty Điện lực Bến Tre với sản phẩm chuyển đổi số là Hệ thống miniSCADA; còn Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai lại có sản phẩm tiêu biểu là Ứng dụng số hóa hợp đồng mua bán điện.

EVN cùng một số đơn vị của ngành điện nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 - 2

Trong nhiều năm qua, EVN đã chủ động tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh chóng và sớm đạt được mục tiêu đề ra. EVN đã tích cực ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng từ rất sớm.

20 năm trước đây, EVN đã là một trong những đơn vị tiên phong triển khai văn phòng điện tử (E-Office). Đến nay, 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn Tập đoàn với kết quả hiện tại là 95% văn bản trong Tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử.

Đặc biệt, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Việc phát hành hóa đơn điện tử không chỉ hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh của EVN, mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử trên mạng giữa EVN và khách hàng.

Cũng từ năm 2013, các dịch vụ điện đã được EVN phục vụ tương đương dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1. Tới năm 2018, EVN thực hiện tương đương dịch vụ công cấp độ 4 – cấp độ cao nhất. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ. Trong năm 2019, EVN đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ điện tới khách hàng theo hình thức giao dịch điện tử.

Việc đa dạng hóa kênh thanh toán tiền điện cũng được EVN triển khai trong những năm gần đây, trong đó có hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến thông qua việc trích nợ tự động, Internet banking, mobile banking, ví điện tử,… EVN đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để chăm sóc khách hàng.

Tại các trung tâm chăm sóc khách hàng ngành Điện, EVN không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage, App Chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động,… Đặc biệt, EVN đã ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng.

Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên. Chất lượng dịch vụ điện cũng được ghi nhận qua những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và lọt Top 4 ASEAN.

Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVN trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả.

H.An