1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

EVN chưa đề xuất tăng giá điện

(Dân trí) - Sau các thông tin qua lại xung quanh việc 1/7 tới có thể sẽ tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN đã lên tiếng phủ nhận và cho biết tập đoàn chưa có đề xuất nào liên quan đến điều chỉnh giá.

Khoản vay tín dụng 14.500 tỷ đồng cho thuỷ điện Lai Châu dự kiến sẽ được ký vào cuối tháng 6 này.
Khoản vay tín dụng 14.500 tỷ đồng cho thuỷ điện Lai Châu dự kiến sẽ được ký vào cuối tháng 6 này.

Tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong tháng 5 vừa rồi, tập đoàn đã tiến hành các thủ tục liên quan để thu xếp vốn thành công cho một loạt dự án điện trọng điểm quốc gia.

Đối với dự án nguồn điện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho EVN vay vốn bổ sung dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (421 tỷ đồng), Dự án thủy điện Bản Vẽ (449 tỷ đồng) và Thủy điện An Khê - Kanak (498 tỷ đồng).

Về khoản vay 14.500 tỷ đồng cho dự án thủy điện Lai Châu, hiện Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã chỉ định tư vấn luật để soạn thảo hợp đồng tín dụng và các văn kiện liên quan, dự kiến sẽ tiến hành đàm phán thương thảo hợp đồng và ký hợp đồng tín dụng vào cuối tháng 6/2013.

Về khoản vay đối ứng cho Hợp đồng EPC Cảng than Duyên Hải, Vietcombank đã thống nhất cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy tổng khoản vay từ Vietcombank trong đợt này khoảng 15.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã đồng ý cho vay bổ sung dự án thủy điện An Khê- Kanak 204 tỷ đồng. EVN đã làm thủ tục ủy quyền cho Ban quản lý Dự án Thủy điện 7 ký hợp đồng vay vốn trong tháng 6/2013.

Đối với các khoản vay nước ngoài, EVN đã ký hợp đồng vay vốn Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc  (KEXIM) 510 triệu USD (khoảng 10.700 tỷ đồng) cho dự án Nhiệt điện Mông Dương 1, Bộ Tài chính đang thẩm định trước khi xem xét cấp bảo lãnh. Đối với khoản vay nước ngoài 85% cho gói thầu cơ điện dự án Thủy điện Lai Châu, trong tháng 5 đã đàm phán vòng 2 với các ngân hàng.

Ngoài ra, EVN cũng cho biết, trong công tác thu xếp vốn, tập đoàn đang hoàn thiện lại hồ sơ phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng trước khi báo cáo lại Bộ Công Thương.

Chưa có đề xuất, giá điện sẽ không tăng?

Sau các thông tin qua lại xung quanh việc 1/7 tới có thể sẽ tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN đã lên tiếng phủ nhận và cho biết tập đoàn chưa có đề xuất nào liên quan đến điều chỉnh giá.

Nếu đúng như vậy, EVN đã giữ được giá điện ổn định trong nửa đầu năm 2013. Lần điều chỉnh giá gần nhất của "ông lớn" ngành điện là vào ngày 22/12/2012, với mức tăng 5% lên bình quân 1.437 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, theo quy định, EVN được phép tăng giá điện với khoảng cách tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, bản thân EVN và các lãnh đạo ngành công thương cho biết, việc tăng giá than đã khiến ngành điện phát sinh chi phí lớn. Theo đó, từ 20/4, giá than bán cho sản xuất điện đã tăng thêm 27%, nâng giá bán than cho điện bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011 và bằng 84-87% giá thành sản xuất than năm 2013.  Trong khi đó, tính tại quý I/2013, sản lượng than bán cho điện đạt mức 4 triệu tấn, chiếm tới hơn 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước.

Như vậy, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được cho biết sẽ làm cho tình hình sản xuất điện trong các nhà máy nhiệt điện than mùa khô 2013 gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ được đưa ra là Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than. Với giá than trước thời điểm 20/4 là khoảng 1 triệu đồng/tấn, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ tính riêng tiền mua nhiên liệu đầu vào, mỗi năm chi phí của Nhiệt điện Uông Bí tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng. Hay như Nhiệt điện Ninh Bình hằng năm chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn than, nhưng với  mức tăng giá bán than như hiện nay, chi phí sản xuất điện của Công ty hằng năm tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng và công ty sẽ gặp rất  nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.

Thêm vào đó, trong tháng 5 vừa rồi, hạn hán diễn ra khá nặng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đã khiến EVN phải khai thác tối đa nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Đồng nghĩa với việc, áp lực tăng giá điện càng lớn.

Hơn nữa, kể cả giá bán lẻ điện bình quân đứng yên thì nếu dự thảo Quyết định mới về bán lẻ được thông qua, kể từ 1/7, hoá đơn tiền điện của các đối tượng tiêu thụ điện cũng sẽ những điều chỉnh nhất định.

Bích Diệp