Èo uột khách, tiểu thương đóng quầy, bỏ chợ
Từ chợ đầu mối đến chợ dân sinh ở Hà Nội đang phải vật lộn với cơn bão mang tên ế ẩm. Hậu quả, nhiều tiểu thương đã phải đóng sạp, bỏ chợ vì sức mua ngày càng yếu dần.
Giảm giá không kéo được khách
Ghi nhận của PV tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội vào đầu giờ sáng thấy, giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh đều giảm đi ít nhiều so với hồi cuối tháng 6. Vậy mà sức mua không hề tăng, hàng hóa vẫn chịu cảnh ế ẩm.
Chị Nguyễn Thị Hậu, chủ một sạp thịt lợn tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy), than: "Giá thịt lợn đã giảm trung bình 5.000 đồng/kg mỗi loại nhưng hàng bán chậm quá. Mỗi ngày, lượng thịt nhập về giảm còn bằng một nửa so với trước. Thế mà nhiều hôm bán buôn rồi chuyển sang bán lẻ vẫn không hết".
Tại các chợ dân sinh, tình trạng cũng chẳng khá khẩm hơn. Chị Bùi Thị Hiền - tiểu thương bán rau tại chợ Bưởi (Ba Đình) - ca cẩm khách càng ngày càng ít. Loại rau củ nào giờ lấy cũng ít đi nhưng vẫn ế đầy. Một số loại chỉ dùng được trong ngày, cuối ngày ế ẩm tiểu thương đành phải đổ bỏ và chấp nhận lỗ.
Đại diện Ban quản lý chợ Phùng Khoang, Dịch Vọng cho biết thời gian này, giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại chợ đều hạ nhiệt, tuy nhiên sức mua không hề tăng. Do vậy, lượng hàng đổ về chợ giảm khoảng 30%.
Theo khảo sát, giá các loại rau tại chợ đầu mối giá đã giảm khá nhiều. Hiện rau muống 5.000 đồng/2 mớ, giảm 500 đồng/mớ; rau ngót 5.000 đồng/3 mớ, giảm gần 1.000 đồng/mớ; su su 4.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng; mùng tơi 1.500 đồng/mớ, giảm 1.000 đồng/mớ; rau bí giảm 1.000 đồng, còn 3.000 đồng/mớ; bắp cải giảm 2.000 đồng, xuống 7.000 đồng/kg; rau dền còn 2.000 đồng, giảm 500 đồng/mớ...
Các loại củ quả đều giảm từ 500-1.000 đồng/kg, tùy loại.
Tại các chợ dân sinh, giá thực phẩm đã giảm tương ứng mặc dù mức giảm không nhiều. Giá thịt lợn ở chợ Thành Công (Ba Đình) so với tháng 5 và tháng 6 giảm trung bình 5.000-10.000 đồng/kg, xuống còn 110.000 đồng/kg (nạc thăn); thịt ba chỉ, mông sấn, vai giá còn 90.000 - 95.000 đồng/kg; sườn 90.000 đồng/kg.
Các loại thủy sản, thịt bò, thịt gà, vịt giá vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, mặc dù giá gà công nghiệp xuất chuồng đang giảm mạnh, người chăn nuôi chịu lỗ nặng nhưng tại chợ, giá thịt vẫn ở mức cao. Theo khảo sát, chỉ có các loại trứng có xu hướng giảm giá. Hiện ở chợ Dịch Vọng, trứng gà đỏ giá 19.000 đồng/chục, giảm 2.000 đồng/chục; trứng vịt giá 21.000 - 25.000 đồng/chục, giảm 3.000 đồng/chục...
Tiểu thương bỏ chợ
Không khác các sạp hàng thực phẩm, tại chợ dân sinh các quầy hàng bán quần áo, giầy dép, đồ gia dụng, thực phẩm khô... cũng thê thảm chẳng kém. Vào giờ cao điểm, khách có thể thoải mái đi xe từ đầu chợ tới cuối chợ do vắng vẻ. Tiểu thương thì ngồi túm năm tụm ba tám chuyện, đánh bài tây, xem tivi, đọc báo... giải sầu.
Chị Vân, chủ một quầy hàng giầy dép tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chán nản: "Chợ bán hàng mà chẳng thấy bóng khách. Nhiều lúc tại chợ, có khi tiểu thương còn đông gấp đôi khách mua".
"Ở chợ nào giờ cũng thế cả. Cảnh đìu hiu, èo uột khách bao phủ, hàng bán ra càng ngày càng ít. Có hôm ngồi cả ngày mới có 2-3 khách tới hỏi mua. Tiền lãi chẳng bù được tiền thuê quầy, sạp. Buôn bán thế hỏi tiểu thương làm sao không bỏ chợ cho được?", chị Vân nói.
Tại chợ Cổ Nhuế, tình trạng ảm đạm khiến các con đường quanh chợ trở nên thông thoáng. Vào chợ lúc gần trưa mà vẫn tối om, các quầy hàng đóng cửa im ỉm. Theo chị Phượng, một tiểu thương bán hàng ở đây, hiện khu vực bán đồ khô, quần áo, vàng mã... do ế ẩm, vắng khách nên 30 quầy hàng đã đóng cửa. Số còn lại mở bán cầm chừng vì nếu có đóng quầy cũng không biết làm gì thay thế.
Chưa đến mức phải đóng cửa nhiều như ở chợ Cổ Nhuế nhưng các tiểu thương ở chợ Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, chợ chuyên bán buôn Đồng Xuân... cũng phải kêu than vì hàng bán ra ì ạch, doanh thu có nơi giảm quá 2/3. Một số tiểu thương chỉ mở cửa vào ngày cuối tuần vì lượng khách còn đông hơn ngày thường chút ít.
Khi được PV hỏi, hầu hết tiểu thương tại các chợ đều nhận định rằng chợ ế ẩm như vậy một mặt do túi tiền chi tiêu của người dân đã cạn dần, họ phải tính toán, ưu tiên cho những mặt hàng thật sự cần thiết rồi mới tính đến những nhu cầu khác. Mặt khác, các siêu thị, trung tâm điện máy lúc nào cũng khuyến mãi ầm ầm, hết đợt này đến đợt khác nối tiếp nhau khiến sức mua tại chợ dần yếu đi.
Không chỉ có các tiểu thương, ngay cả người dân cũng có khẳng định cho tình trạng ế ẩm của chợ. Chị Lê Thị Hòa, đang đi mua đồ tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ: "Nhu cầu ăn uống bây giờ còn bị cắt giảm chứ đừng nói tới việc mua cái này cái kia về chỉ để phục vụ một mục đích nhỏ, ít cần thiết".
"Trước kia, gà thường mua cả con về ăn một bữa cho thích nhưng giờ đi chợ chỉ dám mua vài lạng đủ ăn chứ không có chuyện thừa. Nhà nào cũng thế thôi. Giá cả lúc tăng thì ào ào nhưng lúc giảm lại chẳng đáng kể trong khi lương vẫn vậy, thậm chí còn bị cắt giảm... Túi tiền cạn dần, siêu thị khuyến mãi nhiều nên người dân tranh thủ vào đó mua khiến chợ ế ẩm, vắng khách là điều hoàn toàn dễ hiểu", chị Hòa cho hay.
Theo Bảo Hân
VEF