Dứt điểm với những "đại bàng hàng ngàn tỷ" đang hấp hối

Việc tiếp tục dùng vốn đầu tư công để cứu những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng không chỉ làm mất cơ hội đầu tư cho các dự án khác cần thiết và hiệu quả hơn mà còn sẽ là một gánh nặng lâu dài khi liên tục phải bơm vốn để nuôi các nhà máy này.


Đầu tư tới 7.000 tỷ đồng nhưng sau hơn một năm đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) phải tạm dừng hoạt động, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Đầu tư tới 7.000 tỷ đồng nhưng sau hơn một năm đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) phải tạm dừng hoạt động, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Nhờ đối thủ "dạy võ"?

Trao đổi với Tiền Phong, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, với dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) và các đại dự án nghìn tỷ khác đang “chờ chết”, Nhà nước nhất quyết không bỏ thêm tiền, kể cả việc chỉ định cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tài trợ. Tất cả quyết định có tài trợ hay không phải dựa trên nguyên tắc thị trường.

Theo ông Tuấn, như với dự án thép của TISCO, trường Fulbright cách đây vài năm từng làm một nghiên cứu. Đây là sai lầm có tính chiến lược, xuất phát từ ý chí chủ quan và do chịu sự chi phối lợi ích từ nhiều phía. Ngành thép Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và tồn kho rất lớn. Có lý nào họ lại giúp chúng ta gây dựng một ngành thép để có thể cạnh tranh được với họ?

Nói ví von là chúng ta đang nhờ chính đối thủ của chúng ta dạy võ cho chúng ta để đánh bại họ. Ngoài ra, Trung Quốc đang cấm các nhà máy thép sử dụng lò cao có công suất nhỏ dưới 1.000 khối từ hàng chục năm nay, trong khi chuẩn tối thiểu của chúng ta là 750 khối gần như không có nhà máy nào đạt được cho đến nay. Vì vậy, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này dịch chuyển công nghệ sản xuất thép lạc hậu sang cho Việt Nam.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, tuyệt đối không nên dang tay cứu những “đại bàng” đang gãy cánh này. “Người ta đang dựa vào cái gọi là chi phí chìm để nêu lý do vì sao các dự án này cần phải tiếp tục. Chúng tôi đã tính toán và chứng minh sẽ không tiền nào có thể mang lại hiệu quả cho dự án thép của TISCO. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì người ta vẫn cứ đề xuất cần phải bỏ thêm tiền. Lý do là vì người ta có chịu trách nhiệm gì đâu cho chỉ “một lời đề nghị” mà nếu được thì “ăn” mà không thì thôi”, ông Tuấn nói.

Theo chuyên gia của Fulbright, chúng ta cần phải chấm dứt ngay các tiền lệ rằng nhà nước sẽ đổ thêm tiền cho các dự án dở dang. Thay vào đó sẽ phải truy trách nhiệm đến cùng đối với những người đã ra quyết định đầu tư vào một dự án kém hiệu quả như vậy, kể cả những người tham mưu cho những dự án đó.

Ngay cả những người hiện đang được Chính phủ giao tham mưu có nên tiếp tục thực hiện dự án hay không cũng phải được cảnh báo về việc sẽ chịu trách nhiệm với những tham mưu của mình. Việc khước từ đổ thêm tiền vào dự án này cũng làm đảo ngược tiền lệ xấu từ trước tới nay, đó là càng kém hiệu quả nhà nước lại càng phải đổ thêm tiền. Trên thế giới, trừ Việt Nam và một số nước châu Phi, lấy đâu ra một cơ chế khuyến khích ngược kỳ la như vậy?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, cần truy trách nhiệm cho người làm đội vốn đầu tư dự án, dự án kém hiệu quả gồm lãnh đạo TISCO và những người tham mưu trong các bộ, ngành. Cùng đó, cần đánh giá lại một cách độc lập, trung thực, khách quan hiệu quả kinh tế của dự án làm cơ sở quyết định có nên tiếp tục dự án hay không. “Nhà nước nhất quyết không bỏ thêm tiền, kể cả việc chỉ định cho các NHTM nhà nước tài trợ. Tất cả quyết định có tài trợ hay không phải dựa trên nguyên tắc thị trường”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.

Không tiếp tục bơm vốn đầu tư công

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, với những đại dự án nghìn tỷ này, cần phải rà soát lại và đánh giá lại hiệu quả đầu tư từng trường hợp. Những dự án nào có hiệu quả kinh tế thì mới tiếp tục đầu tư. Những dự án nào không hiệu quả hoặc hoàn thành xong, đi vào hoạt động mà càng thua lỗ thì dứt khoát phải dừng lại, không thể “tiếp máu” mãi cho các dự án này được.

Với những dự án đã hoàn thành nhưng phải dừng hoạt động thì phải lưu ý việc không sử dụng vốn đầu tư công để rót vào các dự án này nữa. Cách tốt nhất là tìm những nguồn lực khác từ bên ngoài để dự án hoạt động trở lại. “Với nguồn lực đầu tư công hạn chế như hiện nay, không nên chia vốn cho các dự án nói trên vì sẽ làm tăng gánh nặng và mất cơ hội đầu tư cho các dự án khác cần thiết và hiệu quả hơn. Quan trọng nhất là phải đánh giá được hiệu quả kinh tế của dự án sau khi hoàn thành hay được cứu”, ông Ánh nói.

Theo TS Vũ Đình Ánh, với những trường hợp như dự án Đạm Ninh Bình, càng hoạt động càng lỗ, cần kiên quyết nói không với việc tiếp tục đổ vốn để cứu. Các dự án trên có sử dụng vốn vay của ngân hàng nếu tiếp tục rót vốn nhà nước vào không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư công mà còn đến độ an toàn của hệ thống tài chính. “Thà mất phần vốn đã đầu tư vào các dự án này còn hơn là ném tiền vào để rồi mất tiếp khi nhà máy đi vào sử dụng và cần đều đặn bơm tiền tiếp để hoạt động mà không thấy hiệu quả đâu”, ông Ánh nói.

Ngày 18/5, trao đổi với PV về việc có nên tiếp tục cứu các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không hiệu quả mà Tiền Phong đang phản ánh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói: “Tôi không hy vọng có thể thu gì từ những dự án này” - Q.Nga

Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong

Dứt điểm với những "đại bàng hàng ngàn tỷ" đang hấp hối - 2