Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’

Dù đã gần hoàn thành, nhưng hơn 4 năm nay, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỉ lại nằm bất động, mặc cho thời gian, sương gió đang tàn phá những thiết bị nghìn tỷ.

Cuối 2007, Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025”, với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, hàng loạt DN đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp mới mẻ đầy hứa hẹn này. 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol để làm nguyên liệu phối trộn xăng sinh học ra đời trên cả nước.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các dự án này đều đang “sống dở chết dở”: Có nhà đã xong nhưng đóng cửa khi chưa kịp hoạt động, có nhà máy đi vào hoạt động nợ nần nguy cơ phá sản, có nhà máy xây giữa chừng bỏ dở chôn vốn hàng ngàn tỷ.

Công nghệ Mỹ, thiết bị EU “đắp chiếu”

Đầu tháng 4/2016, có mặt ở Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), hiện ra giữa mênh mông đồng ruộng là khung cảnh một nhà máy im lìm, hoang lạnh. Quanh nhà máy, ngoài một số người làm công tác bảo vệ thì không còn dấu hiệu của công tác thi công hay sản xuất.

Những người dân xung quanh đây cho biết, “đợt vừa rồi vừa có đoàn trên tỉnh về nên họ bắt đầu cắt cỏ xung quanh để nhìn cho đỡ chướng mắt một chút rồi đấy”.


Một nhà máy với các hạng mục cơ bản đã xong nhưng đang hoang lạnh, hàng ngàn tỷ im lìm.

Một nhà máy với các hạng mục cơ bản đã xong nhưng đang hoang lạnh, hàng ngàn tỷ im lìm.

Và dù cỏ dại, dây leo đã được cắt xén cho đỡ “nhức mắt”, nhưng khung cảnh bên trong nhà máy vẫn hiện lên cảnh hoang lạnh. Hàng trăm ngàn tấn trang thiết bị được giới thiệu là công nghệ Mỹ, thiết bị EU, Đan Mạch, Thái Lan, Ấn Độ…” nằm phơi nắng, phơi mưa khiến ai cũng xót xa.

Trên công trường nhà máy, các hạng mục quan trọng của nhà máy gần như đã cơ bản hoàn tất như: nhà điều hành, kho sắn, nhà nghiền, nhà sản xuất chính, khu bồn cồn thành phẩm, khu xử lý chất thải, khu điện, khu lò hơi…

Các thiết bị cho các hạng mục chính khác của nhà máy như hệ thống xử lý nước thải, cấp nước, cụm nghiền, hệ thống lò hơi, tháp làm mát… đã được lắp đặt.

Tuy nhiên, tất cả những thiết bị mới toanh, “ngốn” tiền tỉ ngày nào, giờ đã nhuốm màu vàng nhợt, rỉ sét. Từng mảng bê tông bong tróc, lở loét. Những thiết bị dang dở cái thì được đắp bạt kín mít, cái thì để chỏng chơ giữa trời.

Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’ - 2

Ở phía trong nhà máy, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, nhiều khối thiết bị đắp chiếu han gỉ.

Ở phía trong nhà máy, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, nhiều khối thiết bị đắp chiếu han gỉ.

Trước thực tế này, ít ai có thể ngờ rằng, đây lại là hình hài của một nhà máy có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng.

Đây là một trong những dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học. Chủ đầu tư trực tiếp là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB).

Triển khai cách đây hơn 6 năm, từ tháng 6/2009, nhà máy có diện tích hơn 50 ha này được khởi công và dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012. Thế nhưng khi đã xong khoảng 80% khối lượng công việc, từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng đang từng ngày lâm cảnh hoang tàn.

Thiếu vốn được cho là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến dự án này chẳng thể hoàn thành việc xây dựng. Chủ đầu tư đã phải tính đến việc điều chỉnh vốn. Thế nhưng, không được các cổ đông chấp thuận.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến khi dừng triển khai, các hạng mục chính của dự án đã được triển khai thi công với phần lớn khối lượng đã hoàn thành. Dự án tạm dừng thi công do khó khăn về vốn. Chủ đầu tư và các bên góp vốn chưa thống nhất phương án xử lý giá trị hợp đồng và do tình hình tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trên thực tế rất chậm.

Những hệ lụy

Dự án dừng, những người nông dân trước đây phải nhường hơn 50 ha đất cho xây dựng nhà máy không khỏi tiếc nuối.

Ở đối diện nhà máy, ông Nguyễn Đăng Lượng, Trưởng khu I, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông băn khoăn: Họ thu hồi đất xong, dự án không làm được, đất của bà con nông dân để “chết” lâu năm quá. 50 ha đất dành xây nhà máy là của 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, trong đó xã Cổ Tiết chiếm khoảng 27 ha.

Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’ - 4
Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’ - 5
Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’ - 6

Rất nhiều hạng mục vẫn còn chờ hoàn thiện. Đã 2.400 tỷ đổ vào đây nhưng giờ nó đang xuống cấp hàng ngày.

Rất nhiều hạng mục vẫn còn chờ hoàn thiện. Đã 2.400 tỷ đổ vào đây nhưng giờ nó đang xuống cấp hàng ngày.

“Khu đất đó đa số trồng 2 vụ, người dân cơ bản sống bằng trồng lúa. Tôi đồng ý là đất nước phát triển phải có công nghiệp. Nhưng xây dựng nhà máy lại dở dang, không hoạt động được chắc chắn dân không được hưởng lợi. Dự án lấy đất của dân, có đền bù, nhưng nhà máy không đi vào hoạt động thì cái lợi lớn nhất và lâu dài chưa thấy mà đất đai hoang phí, tiền đầu tư lãng phí, nhìn mà xót.

Vợ ông Lượng bày tỏ, “lúc đầu họ nói nhà máy làm xong sẽ tuyển công nhân vào làm nhưng giờ nhà máy có hoạt động được vào đâu mà tuyển. Nhà máy may ở bên cạnh, tuy giá đất đền bù thấp hơn, nhưng đi vào hoạt động ngay, bao nhiêu công nhân vào làm việc cũng đỡ.

Nhà máy bế tắc khiến các lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ phải đau đầu. Trong những cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ về dự án, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đều bày tỏ mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Dự án này khởi công từ năm 2009, đến giờ phút này vẫn không ra được giọt sản phẩm nào. Nhà máy lấy trên 50 ha đất ruộng, chủ đầu tư đã đền bù cho dân rồi nhưng đến nay vẫn còn mấy chục hộ vẫn không nhận đền bù.

“Chúng tôi đã gửi công văn lên sở, lên tỉnh nhiều lần rồi nhưng nhà máy vẫn cứ im lìm như thế” – ông Phan Văn Ngọc bức xúc.

Chưa hết, khi nhà máy nghìn tỷ này rục rịch đầu tư, một vùng nguyên liệu cho nhà máy cũng đã được tính đến. Khi đó, người dân các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn đua nhau trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy. Nhưng đến khi trồng xong nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động nên không có người mua. Loại sắn này người không ăn được, gia súc cũng không thể ăn nổi, người dân lâm cảnh khổ sở vì sắn.

“Giờ người dân thôi không trồng nữa rồi, họ chuyển đổi mục đích sản xuất, không trồng sắn nữa và trồng chè là chính thôi” – ông Phan Văn Ngọc cho biết.

Theo Hà Duy

Vietnamnet

Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’ - 8