Đường sắt "đuối sức" chạy đua với hàng không
Dù đã cố gắng gia tăng chất lượng phục vụ toàn diện, nhưng dường như ngành đường sắt vẫn đang “đuối sức” trước tốc độ phát triển của các ngành vận tải khác, đặc biệt là ngành hàng không giá rẻ.
Đứng trước sức ép cạnh tranh với các loại hình vận tải, ngành đường sắt buộc phải tìm cách xoay trở để tồn tại, tránh lỗ và dần lấy lại vị thế.
Những năm qua, trên hầu hết các chuyến tàu Bắc Nam, ngành đường sắt đã cố gắng cải thiện mọi dịch vụ, từ các toa tàu được vệ sinh sạch sẽ, bữa ăn hấp dẫn và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, tình hình không mấy sáng sủa do hạn chế về thời gian và phương thức vận chuyển. Riêng với các chuyến tàu Bắc-Nam, sự cố sập cầu Ghềnh khiến cho giao thông bị gián đoạn và ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của ngành đường sắt trong năm qua.
Đã không còn hình ảnh nhộn nhịp, tấp nập, hối hả, người người chen chúc nhau ở ga Sài Gòn và thay vào đó là một không gian vắng lặng, vài hành khách từ từ bước vào nhà ga.
Đa phần các hành khách đi tàu ở những chặng đường ngắn.
Tàu được thiết kế đẹp, sang trọng và sạch sẽ. Tuy nhiên, thời gian ở trên tàu còn là một vấn đề lớn.
Hành khách đi tàu bây giờ được phát nước uống, báo, tạp chí, cờ tướng để giải trí… Tàu chạy êm hơn, ít rung lắc hơn. Tuy nhiên, lượng hành khách thì cũng chỉ lèo tèo.
Hầu hết những hành khách đều thích ngắm những khung cảnh tuyệt đẹp dọc đất nước Việt Nam.
Nhân viên phục vụ ăn uống trên tàu cũng than thở: “ Mặc dù đã cố gắng thay đổi cách chế biến, đổi gạo ngon, do hành khách đa phần đi những đoạn đường ngắn nên họ cũng ít ăn ở trên tàu, có khi thê thảm đến mức một buổi trưa, cả đoàn tàu cũng chỉ bán được 15 suất cơm”.
Không còn cảnh cho những người bán hàng rong trên tàu, nhưng những nhân viên trên tàu cũng không bán được bao nhiêu.
Dịch vụ bán đồ lưu niệm trên tàu cũng ít người quan tâm.
Các gian hàng bán ở các nhà ga cũng ế ẩm không kém, không ai mua hàng, có những ga người bán hàng còn nhiều hơn cả hành khách.
Phòng bán vé tại ga Nha Trang cũng lèo tèo vài khách đến mua vé.
Trưởng tàu SE8, Nguyễn Tuấn Ninh đã chứng kiến nhiều sự thăng trầm của ngành đường sắt, hơn 30 năm gắn bó với những chuyến tàu Bắc - Nam, có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành đường sắt. Lãnh đạo ngành cần phải nghiên cứu các phương án làm đổi mới từ giá vé tàu cho đến hành trình tàu chạy sao cho phù hợp với nhu cầu để có thể đưa hành khách trở lại với tàu.
Theo Đinh Quang Tuấn
VietnamNet