Đường sắt đô thị Hà Nội: còn quá nhiều vướng mắc

(Dân trí) - Xây dựng đường sắt đô thị được coi là một trong những phương án hữu hiệu giúp Hà Nội giải quyết bài toán “ách tắc” giao thông, tuy nhiên việc thực hiện các dự án này vẫn còn khá nan giải, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Đây là một trong những nội dung được ông Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Toshio Nagase, cho biết khi trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề cuộc  hội thảo đặc biệt về quản lý đường sắt đô thị (dự án SAPI) diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

 

Theo ông, mỗi dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) có một nhà tài trợ khác nhau vì vậy làm thế nào để quản lý các dự án một cách thống nhất cũng là một điều khó khăn.

 

Hiện nay, JICA mới chỉ hoàn thiện phần thiết kế kỹ thuật cho dự án ĐSĐT tuyến số 1 (Giáp Bát-Gia Lâm). Khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại khu vực gần cầu Long Biên đang gặp khó khăn, vì trong dự án này, Hà Nội sẽ có thêm một cây cầu Long Biên mới, được xây dựng cách cầu Long Biên cũ 30m về phía thương lưu sông Hồng. Tuyến đường sắt đô thị mới sẽ chạy qua cây cầu này sang phía bên kia sông. Ông hy vọng dự án có thể được hoàn thành vào năm 2017.

 

Tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 17/7, ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cũng cho biết, theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đường dẫn vào Depot (trạm, nhà ga, khu bảo dưỡng, trung tâm điều hành…) của tuyến dự án ĐSĐT tuyến số 2A Cát Linh-Hà Đông phải hoàn thành trong tháng 6/2012, nhưng hiện đang bị chậm tiến độ. Do vậy, ông Lục đề nghị UBND quận Hà Đông hoàn thành xong việc GPMB này trong tháng 8/2012.

 

Trong khi đó, dự án ĐSĐT tuyến số 3 (Nhổn-Ga Hà Nội) cũng khó có khả năng được hoàn thành vào năm 2016 do thiếu vốn. Ban đầu dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

 

Trước đó, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cũng thừa nhận một số vấn đề khác trong việc thực hiện các dự án ĐSĐT là thiếu kinh nghiệm quản lý và kiểm soát các phần công việc liên quan như: công nghệ, định mức, hình thức hợp đồng EPC, tiến độ, chất lượng.

 

Theo ông Toshio Nagase, về phía Hà Nội, JICA đang hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng phần cứng cho tuyến số 1 và tuyến số 2 (Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) thông qua dự án vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

 

 Bên cạnh đó, cơ quan này đang nghiên cứu để lập ra một dự án hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trơ việc thành lập một công ty về tổ chức vận hành, quản lý và bảo dưỡng các tuyến ĐSĐT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

“Về phía TP Hồ Chí Minh, JICA hỗ trợ tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) trong dự án vốn vay ODA của Nhật Bản,” ông cho biết.

 

Hiện nay, JICA cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND Thành phố Hà Nội tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 nối khu vực Nam Hồ Tây với Huyện Ba Vì. Các bên đang xem xét khả năng thực hiện dự án dưới hình thức hợp tác công tư (PPP).

 

Về dự án Đường cao tốc Bắc Nam, ông Toshio Nagase cho biết, JICA và các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang phối hợp nghiên cứu các phương án khả thi cho việc xây dựng tuyến đường này. Hiện vẫn chưa có phương án cụ thể nào được quyết định. Theo ông, cần ưu tiên xây dựng từng đoạn, đặc biệt là đoạn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, thay vì thi công toàn tuyến cùng một thời điểm.

Vừa qua JICA và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với các địa phương về tuyến, hướng của đoạn Tp Hồ Chí Minh-Nha Trang. Nhiều ý kiến cho rằng do khoảng cách giữa 2 ga Long Thành (Đồng Nai) và Phan Thiết (Bình Thuận) là quá xa (117 km) nên đề nghị mở thêm một ga ở thị xã Long Khánh, trung tâm của nhiều huyện thị và là nơi kinh tế phát triển mạnh trong tương lai. Đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang phải kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, bởi đây là sân bay lớn, thay thế sân bay Tân Sơn Nhất.

 
Phạm Hằng