Đường bay thẳng - cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ
(Dân trí) - Đường bay thẳng Việt - Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân.
Nhiệm vụ ưu tiên của ngài đại sứ
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Ted Osius - Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam không giấu nổi hồ hởi khi nhiều lần nhắc tới dự án đường bay thẳng và coi đây là một ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Chia sẻ tâm trạng này với vị đại sứ, nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, kinh tế cũng nhắc tới tiềm năng to lớn và thời cơ vận hội đầy "mê hoặc" với dự án này.
Dự án đường bay thẳng Việt-Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam có những thay đổi lớn lao. Nhà ga mới của sân bay Nội Bài đã đi vào hoạt động. Dự án sân bay Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6. Khi đi vào hoạt động vào khoảng năm 2025, đây sẽ là sân bay hiện đại, với 4 đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trên bình diện kinh tế, Việt Nam và Mỹ đang tham gia quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình đàm phán TPP được kỳ vọng sẽ kết thúc trong năm 2015. Một khi được ký kết, TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa các thành viên, trong đó có Mỹ và Việt Nam.
Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nhằm giúp Việt Nam phát triển tiềm lực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và Công ty Boeing của Mỹ hồi tháng 1 năm nay đã ký biên bản hợp tác để cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn về an toàn bay.
Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam và Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ (USTDA) cũng đã ký thoả thuận tài trợ nhằm nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam. Theo thỏa thuận, USTDA sẽ tài trợ cho Việt Nam 565.000 USD để hoàn thiện quy chế, đào tạo và huấn luyện giám sát viên an toàn hàng không.
Mục tiêu cuối cùng của dự án là giúp CAAV đạt được phê chuẩn Mức 1 về tiêu chuẩn an toàn hàng không của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) vào cuối năm 2015, điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Theo ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay thuộc Cục Hàng không Việt Nam, sau khi thỏa thuận tài trợ giữa CAAV và USTDA được ký kết, CAAV sẽ triển khai trong khoảng 4-5 tháng để rà soát toàn bộ quy chế, cập nhật lại hệ thống, đào tạo cán bộ giám sát an toàn để chuẩn bị cho việc FAA vào đánh giá vào cuối năm nay.
Tiềm năng kinh tế, du lịch rất lớn
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết việc đạt được Mức 1 của FAA không chỉ phục vụ việc khai thác đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ, mà còn là vấn đề danh tiếng, uy tín của ngành hàng không Việt Nam. Một khi uy tín của ngành hàng không được nâng lên, điều đó sẽ tác động tích cực tới thương mại, du lịch của Việt Nam.
Thời gian bay giữa Việt Nam và Mỹ từ 16-20 tiếng, phụ thuộc từng hãng hàng không và thời gian quá cảnh tại nước thứ 3. Khi được thiết lập, đường bay thẳng giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 đất nước cách nhau nửa vòng Trái đất.
"Bay vào Mỹ là lợi ích chiến lược, mở ra các cơ hội phát triển. Những năm đầu các hãng hàng không có thể bị lỗ nhưng nếu hãng đó muốn phát triển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế thì phải có đường bay thẳng vào Mỹ, bởi Mỹ là một thị trường hàng không rất lớn", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, điều quan trọng nhất là mang lại lợi ích cho người dân bởi đường bay thẳng sẽ tạo thêm một lựa chọn cho khách hàng vì thị trường hàng không Việt -Mỹ rất tiềm năng.
Ông Marc Mealy - Phó Chủ tịch Cộng đồng kinh doanh ASEAN-Mỹ, cho rằng các doanh nghiệp 2 bên đều rất hoan nghênh khả năng 2 nước thiết lập đường bay thẳng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa hai nước có triển vọng phát triển hơn nữa. Theo ông, Đông Nam Á là khu vực quan trọng mà các doanh nghiệp Mỹ muốn gia tăng đầu tư. Việt Nam nằm trong khoảng top 4 hoặc 5 đất nước quan trọng nhất tại khu vực ASEAN đối với doanh nghiệp Mỹ. Nếu TPP ký kết, đầu tư vào Việt Nam được dự đoán sẽ gia tăng. Do vậy, việc mở đường bay thẳng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Tuy nhiên, ông Mealy cũng nói thêm rằng, xét về bài toán kinh tế, sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không bay qua lại trên thế giới rất khắc nghiệt nên các hãng cần phải tính toán kỹ càng để đảm bảo kinh doanh có lãi.
Đại sứ Mỹ Ted Osius nói ông vui mừng khi biên bản ký kết giữa USTCA và CAAV sẽ giúp tăng tốc các quy trình về mặt kỹ thuật để CAAV đạt được Mức 1 của FAA. Nhà ngoại giao Mỹ nhận định, đường bay thẳng rất quan trọng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp gia tăng du lịch, kinh doanh, đầu tư.
"Hãy thử tưởng tượng chuyện người Mỹ đi du lịch tới Thái Lan. Họ có thể sử dụng đường bay thẳng nên vé máy bay rẻ hơn, và cũng không phải xin visa. Nếu du lịch tới Việt Nam, họ phải bay qua nước khác, phải xin visa nên chi phí đắt hơn. Do vậy, việc đi lại dễ dàng hơn sẽ giúp phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước", ông Osius nói.
Mỹ là thị trường du lịch lớn, với nhiều công ty du lịch trong nước đưa du khách tới các thành phố trên khắp nước Mỹ. Du khách có thể lựa chọn các hãng hàng không nước ngoài như American Airlines, Delta Airlines, United Airlines, Korea Airlines, Singapore Airlines, China Airlines... nhưng đều phải quá cảnh ở các nước thứ 3 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines dù chưa có các chuyến bay thẳng sang Mỹ nhưng vẫn khai thác dưới dạng liên danh với các hãng hàng không các nước để vận chuyển hành khách sang Mỹ.
Theo đại diện một công ty du lịch tại Hà Nội, số lượng du khách Việt Nam sang Mỹ tăng đều qua các năm, đường bay thẳng được thiết lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giao thương kinh tế, du lịch của cả 2 nước. Mỹ hiện nay được xem là thị trường du lịch hấp dẫn, tiềm năng khai thác của thị trường trong tương lai là rất lớn. Đồng thời, việc phát triển đường bay này sẽ thu hút lượng khách Việt Kiều và khách nước ngoài từ khu vực Bắc Mỹ tới Việt Nam du lịch.
An Bình
(Buithen@dantri.com.vn)