Được Bộ Công Thương nhường quyền điều hành xăng dầu, Bộ Tài chính lên tiếng
(Dân trí) - Bộ Tài chính đã đưa quan điểm chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương, dù sắp tới Chính phủ giao cho cơ quan nào thì vẫn phải điều hành tốt.
2 bộ "nhường" nhau quyền điều hành xăng dầu
Tại họp báo tổng kết quý IV/2022 diễn ra chiều 9/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra quan điểm về việc Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu mới đây.
Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đã có đề xuất ngược lại - trao quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.
Còn trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Theo ông Hồ Đức Phớc, việc này sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu. Thời gian qua, việc quản lý, điều hành xăng dầu do Bộ Công Thương chủ trì. Còn Bộ Tài chính tham gia trong việc điều hành giá có hiệu quả.
Về việc nên giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định. "Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao", ông Chi nói.
"Nếu Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp khác, Bộ Tài chính cũng luôn chấp hành phân công của Chính phủ. Giao cho cơ quan nào thì giá xăng, dầu vẫn phải điều hành tốt", ông Chi nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm: Vẫn cần áp dụng bảo hiểm bắt buộc
Một nội dung khác cũng được quan tâm tại họp báo là thông tin liên quan hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam và quan điểm của Bộ Tài chính về đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả ô tô, xe máy, được thực hiện đến nay đã 34 năm (từ năm 1988 theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng).
Theo ông Trung, hiện mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, hơn 63% nguyên nhân gây ra tai nạn đến từ phương tiện xe máy. Nhiều trường hợp chủ xe đã tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính, không có đủ khả năng chi trả bồi thường cho nạn nhân.
Ông Trung cũng cho biết hiện hầu hết quốc gia đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc với chủ xe ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí có quốc gia còn áp dụng cả với xe đạp điện. Hay để đảm bảo việc tham gia bảo hiểm bắt buộc, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… có quy định tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ 3 là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Với các kinh nghiệm quốc tế này, ông cho rằng vẫn cần tiếp tục quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự với phương tiện cơ giới là xe máy tại Việt Nam.
Để khắc phục một số hạn chế còn tồn động, ông Trung cho biết, thời gian tới, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm của chủ xe máy. Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá các kết quả đã triển khai, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế, lợi ích và các rủi ro liên quan.