Đừng thêm dầu vào lửa!
Nếu xét trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, cộng với những ẩn số trong giá thành điện vẫn chưa được làm sáng tỏ thì việc dễ dãi chấp nhận đề nghị tăng giá của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là lợi bất cập hại cho nền kinh tế.
EVN liên tục đòi tăng giá điện vì lỗ
Ngay sau khi Thông tư số 31 của Bộ Công Thương, hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực, EVN đã lại lên tiếng đề nghị được tăng giá bán điện - và tăng ngay trong tháng 9-2011. Theo ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN, giá điện phải tăng để EVN không tiếp tục lỗ và có thể bù đắp cho khoản lỗ của năm 2010, có tích lũy để làm vốn đầu tư.
Đề xuất này có hợp lý?
Cùng với xăng, dầu, điện là mặt hàng rất nhạy cảm đối với mặt bằng giá cả nói chung. Ngay sau đợt tăng giá điện và xăng, dầu vào cuối tháng 3-2011, chỉ số giá tiêu dùng liên tiếp trong hai tháng sau đó đã tăng vọt. Vì vậy, nếu tăng giá điện vào thời điểm này, khả năng lạm phát vừa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ lại tăng cao. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng sốt giá xảy ra trong những tháng còn lại của năm.
Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh thêm là việc tính toán thiệt hơn trong vấn đề giá điện cần phải xét đến lợi ích chung của cả nền kinh tế, không thể chỉ vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp. Từ lâu nay ngành điện vẫn nhận được nhiều ưu ái của Nhà nước, từ ưu tiên nhận nguồn vốn vay ODA cho đến việc được mua than, khí đốt để phát điện với giá rất thấp so với mặt bằng giá thị trường. Việc tăng giá điện sẽ mang lại cho EVN một khoản thu đáng kể, nhưng cái giá mà nền kinh tế phải trả cho cái lợi nhỏ đó có thể lớn hơn gấp hàng chục lần.
Ngoài ra, diễn biến của các chi phí đầu vào cơ bản, yếu tố chính để xem xét việc điều chỉnh giá điện, từ đầu tháng 4 đến nay hầu như ít thay đổi, nếu không nói là có một số yếu tố thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì giá điện như hiện nay. Trước hết, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ khá ổn định từ tháng 4 đến nay. Giá xăng, dầu thế giới tuy ở một số thời điểm có cao hơn, nhưng không ảnh hưởng đáng kể, do hầu hết điện sản xuất trong thời gian qua là thủy điện và nhiệt điện chạy bằng than, khí đốt, là những nhiên liệu được cung cấp từ nguồn trong nước với giá ổn định. Thêm vào đó, do điều kiện nước về các hồ thủy điện tốt hơn dự báo, nên tỷ lệ điện sản xuất từ thủy điện tăng đáng kể, cũng là thuận lợi cho ngành điện để giảm chi phí.
Không thể dễ dãi áp dụng cơ chế giá thị trường
Trong tương lai, việc áp dụng giá điện theo thị trường là rất cần thiết nhưng cũng không thể áp dụng một cách máy móc. Nếu các cơ quan chức năng dễ dãi cho ngành điện được tăng giá “theo thị trường”, trong khi các ẩn số đầu vào vẫn chưa được làm sáng tỏ, thì không chỉ nền kinh tế bị thiệt hại, mà hiệu quả của ngành điện cũng bị ảnh hưởng.
Nếu so sánh với giá điện EVN đang mua của Trung Quốc, thì giá bán lẻ điện tại Việt Nam không đến nỗi quá thấp. Nhưng vì sao EVN lại lỗ nặng như vậy? Vấn đề trước tiên cần phải mổ xẻ nằm ở cách thức quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy điện.
Tại cuộc họp tổng kết quá trình triển khai quy hoạch điện 6 vào ngày 8-9 vừa qua, Bộ Công Thương đã thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm và bất cập của ngành điện, làm cho việc đầu tư xây dựng nguồn và lưới truyền tải điện không theo kịp kế hoạch. Bên cạnh nguyên nhân được cho là thiếu vốn, thì tình trạng đầu tư dàn trải, nguồn nhân lực hạn chế, nhà thầu không đủ năng lực… cũng góp phần không nhỏ gây ra tình trạng làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.
Tiếp đến là hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà máy điện. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao suất tiêu hao năng lượng đầu vào của các nhà máy nhiệt điện, nhất là các nhà máy điện chạy bằng than, lại quá khác biệt, có trường hợp đến trên hai lần. Phải chăng do chủ đầu tư đã sử dụng công nghệ, thiết bị quá lạc hậu và rẻ tiền ? Ngoài ra, cũng phải nói đến chi phí đầu tư ban đầu. Cách nay mấy tháng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được EVN nhờ giúp xem lại các hồ sơ đấu thầu, để tìm hiểu xem vì sao các dự án nhiệt điện của EVN làm chủ đầu tư lại đắt hơn so với của PVN trên 100 triệu đô la Mỹ (nhà máy công suất 1.200 MW) - một khoản chênh lệch lớn.
Một vấn đề nữa liên quan đến tổn thất điện. Theo thống kê của EVN, trong tám tháng đầu năm nay sản lượng điện sản xuất và mua là 69,411 tỉ kWh, nhưng điện thương phẩm chỉ có 61,723 tỉ kWh. Hơn 7,67 tỉ kWh (chiếm 11,04%) bị mất đó là do thất thoát và sử dụng nội bộ để sản xuất điện. Ở đây cần nhấn mạnh thêm, trong 69,411 tỉ kWh, gần 53% EVN mua của các công ty ngoài tập đoàn nên thiệt hại chủ yếu ở đây là do tổn thất - yếu tố quan trọng làm giá thành điện tăng.
Khác với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, EVN hiện vẫn hoạt động trong thế độc quyền. Đây là môi trường làm cho doanh nghiệp trở nên kém năng động và chậm cải tiến. Vì vậy, nếu việc áp dụng cơ chế giá điện theo thị trường mà không kèm theo những giải pháp nhằm khắc phục những nhược điểm nảy sinh trong môi trường kinh doanh độc quyền, thì sẽ thật tai hại.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn