1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người Việt dùng hàng Việt:

Dùng hàng Việt sao phải “ưu tiên”

(Dân trí) - Cụm từ “ưu tiên” khiến người ta có thể hiểu rằng hàng hóa đó chưa có tính trội, chưa hấp dẫn người mua, thiếu tính cạnh tranh với hàng nhập ngoại… nên cần có sự “ưu ái”!

Dùng hàng Việt sao phải “ưu tiên” - 1
Cuộc vận động được người dân ủng hộ.
 
Hiện nay, trên thị trường có một tỷ lệ không nhỏ các mặt hàng được coi là hàng Việt Nam nhưng phần lớn nguyên, phụ liệu cấu thành sản phẩm đó lại không phải xuất xứ từ Việt Nam, mà phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ lắp ráp, hoàn thiện các nguyên, phụ liệu đó thành sản phẩm. Vậy, hàng đó có được coi là hàng Việt Nam, do Việt Nam sản xuất không?

Được biết, một sản phẩm để được công nhận là hàng có xuất xứ từ nước đó, thì sản phẩm đó phải có tỷ lệ nguyên, phụ liệu tự nước đó sản xuất chiếm từ 60% trở lên. Như vậy, nếu đem số hàng Việt Nam nói trên đặt lên bàn để “mổ xẻ” nhằm gắn đúng tên cho nó, thì chắc chắn có vấn đề.

Hiện nay Việt Nam có quy chuẩn về chất lượng hàng hóa (chủ yếu áp dụng cho hàng xuất khẩu), song chưa có (hoặc chưa công bố) quy chuẩn cụ thể về tiêu chí đối với một sản phẩm được công nhận là hàng Việt Nam.

Sự việc sẽ không rắc rối khi đi tìm định nghĩa xác đáng của nó nếu hàng của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn. Chất lượng phải “ngang ngửa” với hàng nhập khẩu và đặc biệt là giá cả không “cắt cổ” người mua, ngược lại phải thể hiện được tính cạnh tranh, được tiêu thụ một cách trôi chảy trên thị trường nội địa.

Trên cơ sở đó (chắc rằng) Bộ Chính trị cũng sẽ không dùng cụm từ “ưu tiên” vì nghe đến ưu tiên người ta có thể hiểu rằng hàng hóa đó chưa có tính trội, chưa hấp dẫn người mua, thiếu tính cạnh tranh với hàng nhập ngoại nên cần có sự “ưu ái” mà sẽ kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”!

Trong những năm qua, trên thị trường quốc tế đã cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đủ sức để sản xuất, gia công hàng đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính Tây - Bắc Âu, Nhật Bản…

Ngoài những mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm làng nghề (đúng nghĩa là hàng Việt Nam) những mặt hàng như may mặc, giày dép, đồ gỗ, điện tử (70 - 80% là gia công) không những đã có chỗ đứng vững chắc mà còn ngày càng được mở rộng thị phần.

Và nữa, tại một số Hội chợ trong nước, sản phẩm của rất nhiều doanh nghiệp được cấp chứng chỉ và thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Nhưng đó mới là hàng mẫu trưng bày, triển lãm còn thực chất đối với thị trường nội địa họ chưa quan tâm, chưa đáp ứng những sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng và giá cả thiếu hấp dẫn.

Thậm chí, có nhiều sản phẩm không đúng quy cách đính lẫn lộn. Vô tình họ đã quên đi yếu tố “thị trường mở” phớt lờ hoặc cố tình không biết Việt Nam đã là thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO ), thiếu quan tâm đến trình độ và văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và đặc biệt là không coi trọng chữ “tín” trong kinh doanh.

Vậy, việc gắn mác “Hàng Việt Nam” đích thực cho sản phẩm quả là cả một vấn đề và có lẽ sẽ còn lâu nữa mới thực hiện được bởi ta chưa đủ khả năng tự cung, tự cấp nguồn nguyên, phụ liệu.

Cũng bởi ta chưa có đủ đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản, có tay nghề cao theo chuẩn mực quốc tế (những yếu tố quan trọng góp phần giảm giá thành sản phẩm) và nữa, bởi người tiêu dùng không nắm bắt được tiêu chí của một sản phẩm được công nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” là gì để đối chiếu khi mua hàng…

Chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị cũng nhằm mục đích đó. Do vậy, xin hãy “ưu tiên” gác lại việc đi tìm tên đích thực cho hàng Việt Nam để thực hiện Chủ trương trên.

Hy vọng trong tương lai gần, người Việt Nam sẽ đón nhận hàng do doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất ra một cách tự nguyện, đầy cảm hứng và sẽ không còn lưỡng lự về cụm từ “ưu tiên”.

Nguyễn Minh Gòn
Nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm