Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5:
Đừng đẩy doanh nghiệp vào con đường không còn lựa chọn!
(Dân trí) - Xung quanh thông tin từ ngày 1/4 tới, phí trên quốc lộ 5 sẽ tăng lên 50% và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng khoảng 25% so với hiện nay, đại diện Hiệp hội Vận tải và các doanh nghiệp đã bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc.
Theo đó, Hiệp hội Vận tải Việt Nam chưa hài lòng với cách tính phí của chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vidifi). Còn các doanh nghiệp (DN) cho hay, nếu tăng cao họ sẽ phải cắt tuyến, bỏ đường.
Tăng cả hai tuyến huyết mạch: Bất hợp lý!
Theo thông tin từ Vidifi, đơn vị này sẽ đồng loạt tăng phí cả hai tuyến đường cao tốc và đường 5 cũ vào ngày ¼ với lý do “theo lộ trình”. Cụ thể, chặng Hà Nội - nút giao tỉnh lộ 353 đi Đồ Sơn hoặc vào trung tâm Hải Phòng có mức phí thấp nhất với xe con là 190.000 đồng, cao nhất là 750.000 đồng. Chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng.
Chia sẻ với PV Dân Trí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam khẳng định: Việc tăng phí là quyết định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến những người sử dụng con đường, khách hàng hưởng dịch vụ. "Xin hãy nêu rõ lý do, nếu họ thấy hợp lý, họ sẽ chấp thuận, còn đừng bằng biện pháp cứng nhắc: tăng phí cả hai con đường huyết mạch như vậy", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, việc tăng thu phí cả hai đường huyết mạch nối Hải Phòng - Hà Nội sẽ gây ra sự bất hợp lý. Bởi đường 5 cũ được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước, sau nhiều năm thu phí nên được bỏ để người dân, doanh nghiệp sử dụng không mất phí như nhiều con đường khác.
Còn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng phí thêm là cách tính và lý do của nhà đầu tư, khi họ bỏ tiền nhiều, họ thu cao. Ai thích đi đường mới, đẹp thì đi cao tốc, còn ai muốn đi đường cũ nên để họ lựa chọn. Việc tăng phí cùng lúc hai con đường độc đạo, huyết mạch giữa Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng là bắt người dân vào thế không có lựa chọn, bàn tay Nhà nước can thiệp quá sâu và triệt tiêu tính thị trường.
Ông Thanh nói rõ thêm:"Sắp tới sau khi tổng hợp tất cả các ý kiến của thường trực Hiệp hội và DN, chúng tôi sẽ đưa ra những kiến nghị đối với Bộ Giao Thông Vận tải và Chính phủ để tạo công bằng cho DN và người tiêu dùng".
Phí nâng lên, dịch vụ sẽ hạ xuống!?
Cũng theo ông Thanh:"Doanh nghiệp vận tải sẽ đặt câu hỏi, tại sao cùng là đường ngân sách, cùng tuyến cao tốc nhưng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai không tăng? đường cũ như Quốc lộ 2, quốc lộ 70 - tuyến đường được làm bằng tiền ngân sách không thu phí? tại sao đường 5 cũ vẫn duy trì các trạm thu phí?"
Trong Nghị định 18/NĐ-CP, Chính phủ quy định: Tại các dự án đường quốc lộ xây dựng bằng ngân sách, sẽ chuyển sang hình thức thu phí bảo trì trên đầu mỗi phương tiện, bỏ các trạm thu phí (trừ các đường xây dựng theo hình thức: xây dựng - kinh doanh, chuyển giao - BOT). Tuy nhiên, đường 5 cũ vẫn thu phí, dù cho đường này không phải là BOT. Việc thu phí sau này Chính phủ có ý kiến là: Để bù giải phóng mặt bằng đường cao tốc, các DN và người dân đồng ý với phương án này.
“Nhà nước cần đưa ra lý do thỏa đáng, ngồi lại, lắng nghe ý kiến của DN, người dân chứ? Tại sao tăng và phí đường 5 cũ tăng để bù đường cao tốc thì tại sao phí đường cao tốc tăng?” ông Thanh nêu vấn đề.
Về phía DN, theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng: “Tăng phí cả đường cao tốc, đường 5 cũ là việc bắt buộc chúng tôi phải sử dụng dịch vụ giá đắt. Điều này không khác nào buộc chúng tôi phải đi đường cao tốc với giá đắt đỏ. DN rồi đây sẽ phải tính lại phương án bỏ kế hoạch nâng cấp dịch vụ, cắt bớt đầu xe”.
Theo ông Hải: phí tăng sẽ gây áp lực lớn đến DN về chi phí, kế hoạch kinh doanh lẫn cạnh tranh. Tăng 1 lúc cả hai đường, thì rất khó cho DN, không có lựa chọn nào buộc phải sử dụng.
"Khi đường cao tốc ra đời, các DN vận tải Hải Phòng rất hồ hởi bởi nếu chạy đường 5 cũ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới lên được Hà Nội, thì đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất 1,5 tiếng. Đây là cơ hội để chúng tôi gia tăng thêm các dịch vụ vận chuyển tốt hơn, tăng đầu xe, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, khi giá phí tăng, chúng tôi rất lo lắng về kế hoạch của mình, nhiều phương án kinh doanh buộc phải tính lại, thậm chí cắt tuyến, bán xe”, ông Hải cho biết.
Hiện, theo tính toán của DN này, phí đường cao tốc đang thực hiện với xe 54 chỗ ngồi mất khoảng 800.000 đồng cho 2 lần chạy đi - về, nhưng với mức phí mới Vidifi áp dụng DN sẽ mất 1,4 triệu đồng. Hiện DN này có khoảng 80 xe, nếu chạy hết đường cao tốc, mỗi tháng, đầu xe mất gần 50 triệu đồng tiền phí, mỗi tháng mất gần 4 ỉỷ đồng tiền phí. Nếu cắt tuyến, giảm đầu xe chạy cũng mất 2 tỉ đồng/tháng.
Nguyễn Tuyền