Đức lên án các khoản nợ khổng lồ với các nước do "Vành đai và con đường"

Nhật Linh

(Dân trí) - Dường như "tuần trăng mật" giữa Đức và Trung Quốc đang dần kết thúc khi Đức có chiến lược mới. Đức còn lên án về các khoản nợ khổng lồ đè nặng lên các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Đức lên án các khoản nợ khổng lồ với các nước do Vành đai và con đường - 1

Trung Quốc từng là trung tâm ngoại giao của Đức tại châu Á (Ảnh: Reuters)

Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh châu Âu gia tăng cảnh báo về việc quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và vấn đề nhân quyền của nước này.

“Chúng tôi cần định hình một trật tự toàn cầu lâu dài dựa trên các quy định và hợp tác quốc tế, chứ không phải dựa trên luật của kẻ mạnh”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 2/9 vừa qua.

“Đó là lý do chúng tôi tăng cường hợp tác với các quốc gia dân chủ và tự do”, ông nhấn mạnh.

Trung Quốc từng là trung tâm ngoại giao của Đức tại châu Á. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel hàng năm đều đến thăm Trung Quốc. Trung Quốc cũng chiếm đến 50% trao đổi thương mại của Đức với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế đã không giúp Đức mở rộng thị trường tại Trung Quốc như Đức mong muốn. Các tập đoàn của Đức hoạt động tại Trung Quốc đã buộc phải chuyển giao công nghệ cho chính phủ nước này. Các cuộc đàm phán thoả thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã bị đình trệ, khiến Đức lo ngại về việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế.

Những điều này lại diễn ra trong bối cảnh nhiều phàn nàn về Trung Quốc trong việc áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông và vấn đề người Ngô Duy Mỹ, dẫn đến phản đối chính sách thân Trung Quốc của bà Merkel.

Do đó, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Đức mang đến nhiều khó khăn hơn cho Trung Quốc. Ngoài ra Đức còn lên án về các khoản nợ khổng lồ đang đè nặng lên các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Đức lại lo ngại nhiều hơn về các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cũng như việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của họ ở nước này, đặc biệt sau khi Tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka của Đức hồi năm 2016.

Tuy nhiên, việc từ bỏ một thị trường lớn như vậy khiến các doanh nghiệp Đức ngần ngại. Khoảng 40% doanh số xe hơi năm ngoái của hãng Volkswagen, cũng như gần 30% doanh số của hãng Daimler và BMW, là từ thị trường Trung Quốc.

CEO của Volkswagen – ông Herbert Diess gọi Trung Quốc là “thị trường cuối cùng”. Ông cho biết, hồi tháng 5 vừa qua, nhà sản xuất ô tô này đã đồng ý mua 50% cổ phần của công ty ô tô JAC Motor – một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Theo Nikkei, Volkswagen đã cam kết đầu tư vào công ty ô tô của Trung Quốc sau vụ bê bối khí thải ở Mỹ và thất bại trong việc sáp nhập với hãng Tata Motor ở Ấn Độ.

Daimler và BMW cũng coi Trung Quốc là chìa khoá để thành công khi thị trường châu Âu vẫn chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch.

BASF, một trong những nhà sản xuất hoá chất hàng đầu của Đức, cũng đã xây dựng nhà máy hoá chất tại tỉnh Quảng Đông, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, với mức đầu tư 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn chung, các nước châu Âu đang đánh giá lại mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Năm 2019, Liên minh châu Âu đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đặc biệt trong vấn đề thương mại và công nghệ.

Ông Patrick Koellner, Viện nghiên cứu khu vực và toàn cầu của Đức, cho rằng, sự thay đổi này cho thấy châu Âu đang chuyển sang chiến lược tỉnh táo hơn đối với Bắc Kinh.

Đức đang lên kế hoạch làm việc với Pháp để triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cho toàn khối EU. Berlin sẽ tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong liên minh châu Âu đối với chiến lược này.

Anh và Pháp cũng đã bắt đầu “chặn” gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei tham gia vào các dự án mạng 5G của họ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã có chuyến công du tới châu Âu nhằm củng cố mối quan hệ với các nước. Tuy nhiên, các cuộc gặp này đều không được như mong đợi.