Rạn nứt với Mỹ, Đức "bắt tay" với Trung Quốc

(Dân trí) - Ngay sau khi Đức đồng ý cứu trợ 10 tỷ USD cho Lufthansa vào tháng trước, hãng hàng không này đã tuyên bố nối lại tuyến bay Frankfurt - Thượng Hải.

Dù vô tình hay cố ý thì động thái mới này của Lufthansa đã cho thấy rằng Đức ưu tiên khôi phục các liên kết thương mại với Trung Quốc hơn so với các quốc gia khác, kể cả với Mỹ.

Rạn nứt với Mỹ, Đức bắt tay với Trung Quốc - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, vào tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh Đức phải đánh giá lại mối quan hệ đồng minh lâu dài với Mỹ vì căng thẳng leo thang về an ninh và thương mại, giới lãnh đạo Đức nhận thấy cần phải thắt chặt hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc - một đối tác thương mại khổng lồ của họ.

Trong khi nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, liên tục chỉ trích Bắc Kinh vì thiếu minh bạch về nguồn gốc của Covid-19 và gần đây nhất là động thái áp đặt luật an ninh mới ở Hồng Kông, thì chính phủ Đức lại khác, họ phản ứng một cách rất thận trọng.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, khi được hỏi liệu bà có ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ coi là nhắm vào Trung Quốc hay không, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không đưa ra bình luận gì về vấn đề này, bà chỉ nhấn mạnh rằng “Mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng - nó quan trọng về mặt chiến lược”.

Trên thực tế, Trung Quốc được coi là thị trường xuất khẩu rất quan trọng đối với hàng hóa của Đức, đặc biệt là ô tô và máy móc.

Khi nhu cầu về hàng hóa từ Mỹ giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Đức đã dựa vào Trung Quốc, nơi hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn vào thời điểm đó, để vực dậy nền kinh tế của mình.

Maththew Karnitschnig, biên tập viên của Politico, nói rằng lịch sử hợp tác giữa Đức và Trung Quốc luôn là điều bà Merkel nghĩ tới khi bà tìm cách bảo vệ nền kinh tế Đức giữa Covid-19. Dự kiến tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm 6,3% trong năm nay.

Mặc dù Trung Quốc cũng đang đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng các nhà xuất khẩu Đức vẫn nhìn ra nhiều triển vọng.

Trong khi Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức, tiếp tục đấu tranh với cuộc chiến chống Covid-19 thì Trung Quốc lại đang dần đưa nền kinh tế của họ trở lại hoạt động.

Các ưu tiên của Berlin đối với Trung Quốc cũng tác động sâu sắc đến cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU)

Bà Merkel đã nói trong một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng trước rằng: “Tương lai của thế giới không thể được xác định nếu không có mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Trung Quốc.”

Đức chiếm khoảng một phần ba thương mại của Trung Quốc với EU, tuy nhiên Bắc Kinh cũng đã mở rộng mối quan hệ với nhiều nền kinh tế châu Âu khác, từ Pháp đến Ý.

Michito Tsuruoka, phó giáo sư Đại học Keio, Nhật Bản, viết trong một bài phân tích mới đây trên Diplomat cho hay: “Mục tiêu thực sự của Trung Quốc hiện nay dường như là đảm bảo rằng họ sẽ có đủ quan chức nắm giữ các vị trí quan trọng ở Bỉ cũng như các quốc gia thành viên EU nhằm sẵn sàng trao đổi các giá trị châu Âu để duy trì mối quan hệ của giữa 2 khu vực EU – Bắc Kinh”.

Rào cản lớn nhất trong mối quan hệ Đức - Trung và với chính bà Merkel chính là Washington. Khi chính quyền tổng thống Trump đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Đức và nhiều đồng minh nếu họ bắt tay với Huawei.

Cho đến nay, Thủ tướng Merkel vẫn tránh né vấn đề này và cho rằng các công ty không nên bị cấm cửa hoàn toàn, dù cần có thêm các tiêu chuẩn an ninh cao hơn cho các công ty liên quan tới 5G.

Ưu tiên chính của bà Merkel với Trung Quốc là đưa hiệp định thương mại theo kế hoạch với châu Âu trở lại đúng hướng đi của nó.

Covid-19 đã buộc bà Merkel phải hoãn hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới khi Đức đảm nhận chức chủ tịch EU. Tuy nhiên, lãnh đạo Đức chia sẻ bà muốn sắp xếp lại kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh càng sớm càng tốt.

Bà Merkel đã đưa ra phát biểu vào tuần trước rằng: “Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về mọi mặt. Hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh sẽ mang lại lợi ích tối đa cho EU”.

Thùy Dung

Theo Politoco