Đua nhau mua ô tô, Việt Nam chi tiền "khủng" mua xe nhập và linh kiện ngoại
(Dân trí) - Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 142.000 xe nguyên chiếc, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019 được coi là năm có lượng xe nhập tăng "khủng" nhất so với các năm trước đây.
Về giá trị kim ngạch nhập khẩu, lượng xe con nguyên chiếc mà Việt Nam nhập về thời gian qua có giá trị hơn 3,1 tỷ USD, bình quân giá xe nhập về Việt Nam có giá khoảng 500 triệu đồng. Kim ngạch xe nhập tăng hơn 1,3 tỷ USD sau một năm, tương ứng tỷ lệ tăng hơn 72%.
Lượng xe con dưới 9 chỗ nhập về nước đạt gần 80% tổng lượng xe nói trên, trong đó khoảng 90% xe con được nhập từ các nước trong khu vực sau khi Việt Nam đã bỏ thuế quan nhập khẩu.
Về kim ngạch nhập khẩu các loại linh kiện xe ô tô, năm 2019 cũng tăng trưởng rất mạnh. Năm 2019, cả nước chi hơn 4,1 tỷ USD nhập các loại linh phụ kiện cho ngành sản xuất ô tô trong nước, tăng hơn 600 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Các loại linh phụ kiện nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào linh kiện rời rạc, cụm linh kiện của các công ty mẹ hoặc nhượng quyền thương hiệu như Toyota, Hyundai, Mazda, Kia. Theo thống kê của hải quan, có đến 90% lượng linh kiện phụ tùng mà Việt Nam nhập khẩu về có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật và Đức…
Mặc dù tổng lượng xe nhập của Việt Nam năm 2019 có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng điều bất ngờ là càng đến thời điểm cuối năm lượng xe nhập về Việt Nam càng giảm đi trông thấy. Cụ thể, theo con số của Hải quan Việt Nam, chỉ riêng tháng 11 và tháng 12, lượng xe nhập đã giảm hơn 8.600 chiếc so với các tháng trước đó.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xe tư nhân cho biết, lượng xe nhập giảm do nguồn cung xe trong nước đang cao hơn cầu. Trong khi đó, năm 2020 được dự báo sẽ xuất hiện nhiều mẫu xe mới nên thị trường biến động, nhu cầu tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng hơn.
Lượng xe nhập giảm những tháng cuối năm khiến nhiều người hoài nghi liệu đây có phải là "bài" của các hãng xe "bắt tay" nhau nhằm hạn chế nguồn cung khiến mặt bằng giá xe trên thị trường khó giảm sâu.
Tính chung trong năm 2019, tổng lượng xe hơi tiêu thụ tại Việt Nam của các liên doanh nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp bán xe riêng lẻ không trực thuộc các hiệp hội tại Việt Nam đạt khoảng 400.000 chiếc, tăng hơn 100.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng được đánh giá là mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, song vẫn khá nhỏ bé so với thị trường các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nơi có mức tiêu thụ xe bình quân từ 1 đến 2 triệu xe/năm.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2020, thị trường xe hơi Việt có thể tăng trưởng cao hơn năm 2019 về quy mô, sản lượng, song chưa thể bùng nổ được vì mức giá xe vẫn cao hơn so với bình quân thu nhập của đại đa số người tiêu dùng.
Mặc dù có nhiều cơ sở để giảm giá xe như sửa đổi chính sách nhập khẩu xe hơi, Chính phủ có thể thông qua nghị định sửa đổi thuế nhập khẩu linh kiện theo hướng bãi bỏ; sự lớn mạnh của doanh nghiệp xe hơi trong nước như VinFast, TC Motor và Trường Hải… nhưng sự bùng nổ của thị trường xe hơi Việt chỉ thực sự có nếu các loại xe hiện nay giảm thêm, tiệm cận với thu nhập tích luỹ của người dân.
Đặc biệt, để giá xe rẻ đáp ứng được nhu cầu của người dân, thị trường xe Việt cần có các loại xe chiến lược được nội địa hoá với mức giá ưu đãi như các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đã và đang làm.
Nguyễn Tuyền