Đua nhau làm thủy điện

(Dân trí) - Căn bệnh “kinh niên” thiếu điện đang gây sự chú ý cho các doanh nghiệp với miếng bánh thị phần tiềm năng khi hàng loạt dự án thủy điện thời gian qua đã đồng loạt được khởi công…

Hàng loạt dự án thủy điện khởi công

Tin từ UBND tỉnh Lào Cai cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh này đã có 21 nhà máy thủy điện đã khởi công xây dựng tổng công suất là 465 MW, với tổng mức đầu tư đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ trong một thời gian ngắn 2002 - 2007 đã có các doanh nghiệp như Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty XNK xây dựng Việt Nam... có mặt tại Lào Cai tham gia xây dựng các công trình thủy điện Ngòi Phát (công suất 72 MW); nhà máy thủy điện Minh Lương, công suất 23 MW (do Công ty cổ phần Thủy điện Minh Lương làm chủ đầu tư), Thủy điện Séo Choong Hô được xây dựng tại huyện Sa Pa, công suất 22 MW.

Và mới đây, công trình Nhà máy thủy điện Nậm Pung cũng đã xây dựng trên diện tích 31,8 ha, nằm trên địa phận xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, tổng mức đầu tư 134 tỷ đồng với tổng công suất 108,4 MW, tổng điện năng bình quân là 543,36 triệu kw/h.

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, “phong trào” làm thủy điện cũng trở nên rầm rộ trong những năm gần đây. Riêng tỉnh Quảng Nam hiện nay đã có 57 dự án về thủy điện, trong đó 46 dự án năm 2006 và 11 dự án thủy điện nhỏ mới bổ sung.

Là một tỉnh có lợi thế về dạng năng lượng này, tỉnh Đắk Nông trong kế hoạch từ 2004 đến 2010 cũng dự định xây dựng 64 thủy điện với mong muốn hòa vào lưới điện quốc gia.

Một cán công tác tại Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu phát triển của ngành điện Việt Nam đến năm 2010 là sử dụng tốt các nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí và than để phát triển cân đối nguồn điện.

Đầu tư vào thủy điện, nên không?

Trong chiến lược phát triển ngành điện đặt ra kỳ vọng, tiến tới sẽ phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Trong đó quan tâm đến việc phát triển thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện nguyên tử..

Việc ồ ạt xây dựng các công trình thủy điện về phương diện nào đó đã nhận được sự đồng tình của các nhà quản lý cũng như người dân, khách hàng của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Tuy nhiên, không hẳn hẳn cứ “ngăn sông” làm thủy điện là đảm bảo mục tiêu đủ điện, đặc biệt là với những dự án thủy điện nhỏ.

Theo ông Nguyễn Quốc Ân, trợ lý Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trên thực tế công suất từ các nguồn thủy điện nhỏ cũng không ăn thua, chẳng qua là chỉ là “muối bỏ bể”.

Bên cạnh đó điện từ các nhà máy này chỉ được duy trì từ các mùa mưa nhưng nhu cầu điện lại không cao, riêng vào mùa khô diễn ra tình trạng thiếu điện trầm trọng thì không có nước.

Cũng theo ông Ân, rót tiền để đầu tư vào thủy điện nhỏ hiện nay không phải là biện pháp tối ưu, trong khi thực tế nguồn để khai thác về thủy điện cũng không còn nhiều nhưng suất đầu tư vào lĩnh vực này lại tương đối cao.

“Trước đây chúng ta tập trung vào các dự án thủy điện lớn, bây giờ thủy lớn không còn thì quay sang đầu tư vào các dự án thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, như đã nói thì những dự án đó sẽ không góp phần nhiều vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô”, ông Ân nghi ngại.

Trong hướng mở của mình, ông Ân cho rằng các doanh nghiệp nên cân nhắc giữa các yếu tố để đầu tư vào nguồn năng lượng tiềm năng như gió, mặt trời, các dạng năng lượng khác… thì đó là hướng nên đi sâu. Nếu quan tâm và khai thác được các dạng tiềm năng đó thì mới có thể đảm bảo tính bền vững, lâu dài nguồn năng lượng.

Một trong những lo ngại khác là hiện nay việc khai thác nguồn năng lượng nước từ các dự án thủy điện sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp. “Bản chất của thủy điện tác động nhiều đến tự nhiên vì nó chặn dòng, thay đổi dòng chảy…”, ông Ân khuyến cáo.

Trần Hưng